Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quy hoạch

Hoài Thu

(Dân trí) - Thẩm tra Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn.

Trình bày tờ trình dự thảo luật, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra bất cập khi hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị - nông thôn còn những hạn chế, chưa thống nhất với các luật khác như Luật Đất đai; Luật Đấu thầu…

Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quy hoạch - 1

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: Phạm Thắng).

Vì thế, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là "hết sức cần thiết", theo ông Nghị.

Thường trực Ủy ban Kinh tế Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí sự cần thiết ban hành dự luật này trong báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Song theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý xây dựng dự luật này phải bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo luật phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn. Đi kèm với đó là cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án "treo", chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quy hoạch - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh yêu cầu xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch (Ảnh: Phạm Thắng).

Dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn gồm 5 Chương, 61 Điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh; tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Để đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Xây dựng cho biết dự thảo luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch.

Cụ thể, dự thảo không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã). Dự thảo luật cũng không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ.

Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng, dự thảo luật bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Theo đó, dự thảo đề xuất quy định phải rà soát quy hoạch trước khi thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Việc điều chỉnh này phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh.

Bên cạnh đó, phải có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan...

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch có bao gồm cả trường hợp dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch cấp trên hay không. Nếu có thì trong phạm vi và với mức độ như thế nào? Thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch cấp trên trước hay thực hiện song song quy trình điều chỉnh?.

Theo cơ quan thẩm tra, cần làm rõ cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm chặt chẽ việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.