1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bê bối ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh:

Kỳ 2: “Giơ cao đánh khẽ”

(Dân trí) - Ngay sau khi đơn tố cáo giám đốc, kế toán TTBTXH Hà Tĩnh bòn rút tiền Nhà nước được chứng minh là có thật, điều bất ngờ là liên minh này đã nhận được sự bao che khó hiểu của những người cầm cân nảy mực ở Hà Tĩnh.

“Phải đóng cửa bảo nhau!”

 

Sau khi nhận được đơn thư tố cáo tiêu cực từ các cán bộ nhân viên của TTBTXH, cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện các sai phạm của hai ông Đào Đức Thụ và Lê Quang Tùng là có thật.

 

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với cán bộ công nhân viên của đơn vị này hôm 6/9, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh lại có ý trách móc những người tố cáo: “Việc sai phạm là có, nhưng dựng khống chi sai là để đi giao dịch, chạy nguồn, đồng chí Thụ không có tư lợi cá nhân. Đáng lẽ cần phải đóng cửa bảo nhau, tại sao lại tố cáo đơn thư lung tung, dư luận làm rùm beng...”.

 

Ông Sơn tiếp: “Đồng chí Thụ và đồng chí Tùng có sai phạm nhưng có nhiều cống hiến. Nếu không có những lá đơn tố cáo ông Thụ và ông Tùng thì đơn vị có xứng đáng được tặng thưởng Huân chương lao động không?” (!).

 

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ công nhân viên của TTBTXH không đồng tình với cách làm việc và giải quyết vấn đề của ông giám đốc Sở. Theo những người này, giám đốc Thụ là một người khá độc đoán, bảo thủ.

 

Cơ quan điều tra bao che sai phạm?

 

“Mục 3, Điều 278 Bộ luật hình sự quy định mức xử phạt 15 năm trở lên nếu tham ô từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây hậu qủa nghiêm trọng khác. Vì thế việc xử lý những sai phạm của ông Thụ và ông Tùng như thế là không những không chấp nhận được, mà còn khiến đơn vị chúng tôi thêm rối bời” - một cán bộ (xin được giấu tên) tại TTBTXH Hà Tĩnh, bức xúc nói với PV Dân trí.

So với những phát biểu của giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì những kết luận của cơ quan điều tra - Công an Hà Tĩnh về vụ tiêu cực này còn khó hiểu và “nực cười” hơn nhiều.

 

Tại bản Kết luận số 135/CSĐT - Công an Hà Tĩnh ngày 12/5/2006 ghi rõ: “Từ năm 2000 đến năm 2004, giám đốc, kế toán và một số cán bộ công nhân viên chức TTBTXH Hà Tĩnh lập khống chứng từ rút ra số tiền là 266.637.000 đồng là trái nguyên tắc, làm thất thoát tài sản Nhà nước; đã vi phạm Điều 165 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về “Tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Nhưng chỉ 2 tháng sau, tại bản Kết luận số 190/CSĐT ngày 10/7, Công an Hà Tĩnh đã “chỉnh” lại như sau: “Việc giám đốc, kế toán TTBTXH Hà Tĩnh lập khống chứng từ rút ruột 266.637.000 đồng chi trái nguyên tắc là vi phạm Pháp luật, có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Nhưng xét thấy việc lập khống chứng từ của TTBTXH Hà Tĩnh không liên tục, mỗi năm một ít, kéo dài trong 5 năm, Trung tâm đã dùng tiền này phục vụ cho việc giao dịch, xin hỗ trợ kinh phí phục vụ cơ quan; bản thân giám đốc có nhiều cống hiến, chưa có biểu hiện tư lợi, do vậy không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với giám đốc, kế toán, nhưng phải xử lý hành chính một cách nhiêm khắc”.

 

Sau khi so sánh nội dung của hai bản kết luận “chênh” nhau này, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có hay không sự bao che sai phạm của cơ quan điều tra Hà Tĩnh?

 

Phải chăng, việc lập nhiều chứng từ khống để rút tiền Nhà nước từ năm 2000-2004 của ông Thụ và ông Tùng; hay một trong hai dàn máy vi tính trị giá gần 13 triệu đồng/bộ từ tiền của Nhà nước (phiếu chi số 392 ngày 30/12/2003) được đặt tại nhà riêng ông Thụ là chưa đủ chứng cứ cho hành vi bòn rút, tư lợi cá nhân?

 

Cho đến thời điểm này, sai phạm đã được phanh phui, nhưng hai ông Thụ và Tùng mới chỉ bị xử lý “sơ sơ” ở mức đình chỉ công tác và kỷ luật Đảng.

 

Văn Dũng - Minh San

 

Kỳ 1: Giám đốc, kế toán liên minh "ma quỷ"