DNews

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, việc cán bộ, đảng viên, công an, quân đội,... bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn thì cơ quan, đơn vị của họ cần lấy đó làm căn cứ để xem xét khi xếp loại cuối năm.

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm

Xử lý tài xế "ma men", không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Từ 30/8 đến 25/9, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã triển khai việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương, trong đó có xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, đã trực tiếp kiểm soát hơn 100.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong số này có 160 trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu,...

Người dân tự giác chấp hành, mọi thứ sẽ vào kỷ cương

Trao đổi với phóng viên Dân trí, về việc Cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý cả cán bộ lãnh đạo, công an, quân đội... điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng việc CSGT thời gian qua ra quân xử lý quyết liệt đối với các tài xế vi phạm nồng độ cồn là việc làm rất tốt, cần biểu dương. Song việc kiểm tra, xử lý của CSGT chỉ là biện pháp tình thế, chưa phải căn cơ, cốt lõi. 

Theo bà An, để giải quyết triệt để vấn đề này thì chính những người cầm lái phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.

Để làm được điều này, các cơ quan quản lý lái xe cũng như gia đình tài xế và bản thân người điều khiển phải tự nâng cao ý thức bản thân cũng như trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

"Việc ra quân xử lý chỉ là ngọn còn gốc rễ vấn đề chính là bản thân của các tài xế và gia đình họ, nếu không giải quyết được tận gốc sẽ vẫn còn những người uống rượu, bia lái xe gây tai nạn.

Chỉ cần người dân tự giác chấp hành, mọi thứ sẽ đi vào kỷ cương", bà An nói và nhận định, mức xử phạt đối với các tài xế vi phạm nồng độ cồn hiện nay đã ở mức cao, đủ sức răn đe.

Bà mong muốn lực lượng CSGT duy trì việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn để ăn sâu vào ý thức của người dân, khi đã uống rượu, bia sẽ không dám lái xe. 

 Còn ông Trần Ngọc Vinh, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, khẳng định việc CSGT xử lý thẳng tay các tài xế vi phạm nồng độ cồn là rất cần thiết, được người dân ủng hộ. 

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 1

Tổ công tác Y11/141 kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã ba Ba La, phường Phú La, quận Hà Đông đêm 14/2 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ông nhận định, trước đây tỷ lệ tài xế uống rượu, bia gây tai nạn rất cao nhưng kể từ khi CSGT ra quân kiểm tra, xử lý đã giảm mạnh.

Đặc biệt, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng xử lý thẳng tay, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" tỷ lệ người uống rượu, bia lái xe sẽ tiếp tục giảm.

"Việc ra quân xử lý dọc đất nước là điều rất tốt và tôi mong muốn việc làm này diễn ra thường xuyên", ông Vinh nói và cho biết thêm, để giải quyết triệt để việc tài xế vi phạm nồng độ cồn, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân tự nâng cao ý thức, đi sâu vào nhận thức đã uống rượu, bia không lái xe.

Đặc biệt, CSGT cần duy trì việc kiểm tra bởi nếu ngắt quãng sẽ tái diễn vi phạm.

"Nếu dừng lại, không xử lý mạnh, quyết liệt thì mọi thứ như bong bóng, người vi phạm sẽ tăng lên. 

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục để giảm sâu, giảm mạnh, giảm lâu dài", ông Vinh chia sẻ và cho rằng, để xử lý tận gốc vấn để chỉ có sự vào cuộc của công an là chưa đủ.

Về mặt pháp luật phải tăng cường chế tài xử lý, ngoài phạt tiền, tạm giữ phương tiện thì đối với công chức, cán bộ vi phạm thì phải có thêm hình thức xử lý ở cơ quan.

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 2

Sau khi bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế vi phạm là N.Đ.L. nói rằng do cả nể nên đã uống hết gần 1 lon bia (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Cần tuyên truyền người dân hạn chế bia, rượu trong các cuộc vui, liên hoan, nếu đã uống thì không được lái xe, chỉ có như thế chúng ta mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề", ông Vinh nói và lấy ví dụ người dân ở các nước châu Âu, châu Mỹ,... cũng sử dụng rượu, bia nhưng trong ý thức của họ đã uống sẽ không lái xe.

Hiện nay, hệ thống giao thông nước ta nhiều nơi chưa được tốt, đồng bộ. Đặc biệt là tại các vùng quê, đã xảy ra nhiều trường hợp uống rượu, bia lái xe đâm xuống ruộng, sông,... tử vong thương tâm. 

Chính vì thế cần phải giáo dục ý thức của người dân từ nông thôn đến thành thị, từ nhà trường đến nơi công sở để ăn sâu vào ý thức của mỗi người về việc đã uống rượu, bia không lái xe. 

Không phân biệt người vi phạm là ai, chức vụ gì

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho rằng đợt ra quân lần này của lực lượng CSGT nhằm tăng cường, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của cơ quan chức năng.

Điều đáng chú ý là lần này các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với mọi đối tượng trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 3

Theo luật sư Cường, ý kiến chỉ đạo của Bộ công an là rất kịp thời, cần thiết, là cơ sở để lực lượng chức năng không e dè, nể nang đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, những người có chức vụ cao ở địa phương hoặc trung ương.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ công an, sự quyết tâm của lực lượng chức năng ở các địa phương, thời gian qua rất nhiều cán bộ, đảng viên, những người hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang (công an, quân đội),... bị kiểm tra, phát hiện và bị xử lý vi phạm giao thông do vi phạm về nồng độ cồn với mức phạt nghiêm khắc.

Việc xử lý như vậy thể hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc pháp chế trong việc áp dụng pháp luật mà Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật đã quy định.

Đây là nguyên tắc chung trong pháp luật Việt Nam thể hiện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không phân biệt người vi phạm là ai, chức vụ gì, địa vị xã hội ra sao, thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính như thế nào.

Luật sư Cường nhận định, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính không tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng bởi người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương.

Với sự quen biết, ngại va chạm, thậm chí có sự can thiệp khiến cho lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên, những người có địa vị trong xã hội.

Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an đã tháo gỡ được những rào cản về tâm lý cho người thi hành công vụ, thúc đẩy cơ quan chức năng hoạt động một cách độc lập, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm và nguyên tắc xử lý là "chỉ tuân theo pháp luật", trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 4
Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 5

Việc xử lý "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" sẽ củng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật, cho thấy sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức nơi người vi phạm giao thông làm việc về hành vi vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, đối với người vi phạm giao thông, vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, đảng viên thì hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ngoài việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bởi vậy, khi xử lý vi phạm giao thông nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng cơ quan chức năng thông báo về cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm đang công tác là nguồn thông tin quan trọng để cơ quan, tổ chức đảng quản lý cán bộ, công chức đó xem xét về ý thức chấp hành pháp luật, để đánh giá phân loại cán bộ đảng viên và xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đảng và kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Kỳ cuối: Cán bộ vi phạm nồng độ cồn, phải xem xét khi xếp loại cuối năm - 6

Sau khi bị kiểm tra nồng độ cồn vào đêm 2/1, tài xế Lexus liên tục gọi điện thoại và xin Tổ công tác Y7/141 Công an Hà Nội bỏ qua vi phạm nhưng bất thành (Ảnh: Nguyễn Hải).

Thời gian qua không ít trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm nồng độ cồn dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng,... những sự việc như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp quản lý để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm luật giao thông đường bộ là điều cần thiết.

Cán bộ công chức, viên chức phải là người chấp hành tốt pháp luật, gương mẫu để người dân làm theo, thực hiện theo thì xã hội mới thực sự công bằng, văn minh, ổn định và phát triển.

"Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc xử lý vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam hiện nay là rất quyết liệt có những tác động tích cực đối với hành vi, thói quen của nhiều người dân, từng bước xây dựng văn hóa ẩm thực văn minh, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông từ nồng độ cồn, giảm đáng kể tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người", luật sư Cường nói.

Đồng quan điểm trên, luật sư Lê Cao, Công ty luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, một khi có hiệu ứng làm gương từ cách hành xử mỗi ngày của cán bộ, công chức, lãnh đạo thì văn hóa tuân thủ, thực thi pháp luật nghiêm minh sẽ lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, từ đó tạo ra những giá trị tích cực về giá trị của công bằng, bình đẳng, công lý. 

Luật sư Cao cũng nhấn mạnh, để làm nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên, công an, quân đội,... bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn, thì cơ quan, đơn vị nơi những người này đang công tác cần lấy đó làm căn cứ để xem xét khi xếp loại hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm.