1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Hà Nội:

“Làng lông gà, vịt” Triều Khúc trước mùa cúm gia cầm

(Dân trí) - Không đâu xa, khu chợ ngay trước cửa UBND xã Triều Khúc (Thanh Xuân) là nơi tập kết rất nhiều gà vịt. Ở đây, gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn được bày bán, giết mổ rất công khai. Đi sâu vào trong là khung cảnh chế biến lông gà, vịt tươi vô cùng nhộn nhịp…

Câu chuyện về dịch cúm gia cầm có lẽ đã không còn xa lạ với người làng.

 

Cúm gà, đến hẹn lai lên!

 

Mới bước vào cổng chợ, khách đã được “chào đón” đon đả bằng một dãy ngan, gà, vịt sống bị trói, nằm kêu ầm ĩ dưới đất. Chị bán hàng lăm lăm con dao nhỏ, khách ưng con nào, trong nháy mắt chị thịt ngay con ấy.

 

Ngay bên cạnh là một ngôi nhà khá lớn chứa đầy ngan sống, chúng được xếp tràn cả ra đường. Bên trong, anh chủ đang hối hả cắt tiết liền một lúc 3 con ngan cho khách. Theo lời anh thì ở chợ này, những cửa hàng như của anh luôn đông khách vì hàng tươi sống. Anh tiết lộ cửa hàng anh cũng như vài chỗ khác có khả năng cung cấp số lượng lớn gia cầm cho những đơn đặt hàng theo yêu cầu.

 

Quả thực, dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi thấy rất nhiều gà, vịt được chở đến tới tấp. Chỉ có điều, phần lớn số gia cầm ấy đều không có dấu kiểm dịch của thú y. Hình như đối với cả người mua và bán ở đây, chuyện về dịch cúm gà đã trở nên quá quen thuộc, không đáng lưu tâm.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trọng Đức, phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của địa phương cho biết: “Từ đầu năm đến nay xã đã tổ chức vài đợt phun thuốc khử trùng. Bên cạnh đó, mỗi sáng vẫn có hai cán bộ thú ý đi kiểm dịch quanh chợ và các khu vực xung quanh”.

 

Khi chúng tôi phản ánh việc gia cầm bày bán ngay trước cửa Ủy ban xã mà không hề có dấu kiểm dịch, ông Đức lại tỏ ra khá lúng túng và khất rằng sẽ hỏi lại cán bộ thú ý (!).

 

Sơ chế lông gà, vịt: Biết nguy hiểm nhưng... kệ

 

Đi qua khu chợ là đến khu vực sơ chế lông gà, vịt của gần 10 hộ dân xã ở xã. Tất cả tập chung tại khu nghĩa trang Giò Gà. Dù đã bịt mấy lần khẩu trang chúng tôi vẫn phải ngửi một mùi hôi thối nồng nặc đang xộc vào mũi. Ở đây, người ta quây đất lại thành những chiếc lều rồi chui vào đó để đảo hay phân loại lông. Gặp khi nắng to, lông gà, vịt được phơi ngay trên đường đi, chỉ cần một cơn gió là chúng bay cuộn lên, bám vào bất cứ chỗ nào có thể.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, một chủ hộ thu mua lông gà vịt cho biết, nguồn thu mua chủ yếu của những hộ dân ở đây là từ các lò mổ và những người mua, bán rong. Hàng mua về được phơi khô rồi dùng tay phân loại. Lông ống được dùng để làm chổi phất trần hoặc cầu lông; lông vũ để xuất sang Trung Quốc làm chăn, ga, gối và nhồi quần áo rét với giá 50.000 đồng/kg.

 

Trong lều của chị Hiền còn có 3 người phụ nữ cùng làm công việc phân loại và đảo lông. Hình như đã quá quen với thứ mùi bốc ra từ đám lông nên họ cũng chỉ đeo khẩu trang chiếu lệ. Chị nói cũng biết sự trở lại đầy nguy hiểm của dịch cúm gia cầm nhưng vì miếng cơm manh áo mà vẫn phải kiếm sống.

 

Chị Hiền cho biết, thi thoảng, đội thú ý cũng có qua phun thuốc tiêu độc khử trùng. Song chính ông Hoàng Trọng Đức lại thừa nhận, việc phun thuốc chỉ có số lượng và thời gian nhất định, trong khi lượng xuất, nhập lông ở đây lên tới hàng chục tạ một ngày.

 

Một thanh niên tên Hùng làm việc ở lều bên cạnh thì cho hay, chưa biết có “dính” phải cúm gà hay không, chỉ biết hiện tại, đã có nhiều người làm việc ở đây có hiện tượng khó thở, ho khan… Biết là độc hại nhưng cũng… kệ thôi vì đây là nguồn thu nhập chính. Còn tôi, một người khách lạ, dù mới chỉ “được” hít thứ mùi kinh khủng này một thời gian ngắn đã thấy đầu óc váng vất, buồn nôn.

 

“Vì đây là nghề truyền thống nên không thể bắt dân bỏ nghề. Khi xuất hiện dịch, chúng tôi sẽ cấm buôn bán lông gà, vịt tạm thời, nhưng bỏ hẳn thì không được. Dù biết làm nghề có gây nguy hiểm cho sức khoẻ nhưng cũng đành chịu” - Ông Đức thở dài.

 

Thanh Trầm