DNews

Lo ngại xu hướng "né" sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng Biên tập nhiều cơ quan báo chí nêu bất cập về tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Lo ngại xu hướng "né" sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM đã nêu quan điểm trong một bài viết trên Dân trí mới đây về sự kiện hồ Ka Pét (tỉnh Bình Thuận) gây ồn ào dư luận, cho thấy rõ những thách thức về năng lực truyền thông chính sách.

Sự kiện hồ Ka Pét là một dự án đã công khai từ hàng chục năm trước bỗng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận: hơn 600 ha rừng trong đó có trên 130 ha rừng đặc dụng sẽ nhường chỗ cho dự án công trình hồ thủy lợi Ka Pét.

Những hình ảnh trực quan về cánh rừng xanh tốt mai sau sẽ vĩnh viễn mất đã tác động trực tiếp lên tình cảm, nhận thức của hàng triệu người. Và đã có những quy kết, những đòi hỏi về trách nhiệm, về di sản môi trường đối với mai sau. Đó là một trường hợp (case-study) bổ ích không chỉ riêng cho dự án này hay tỉnh Bình Thuận.

Sau bất ngờ ban đầu, theo ông Nguyễn Đức Hiển, tỉnh Bình Thuận đã ứng xử khá tốt khi Bí thư Tỉnh ủy trả lời báo chí và tổ chức dẫn báo chí vào thực địa hiện trường trước khi tổ chức họp báo...

Né tránh cung cấp thông tin, gây áp lực để báo "từ bỏ" phản biện chính đáng

 Bà Ninh Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Tin tức (TTXVN) đánh giá, nhận thức của nhiều địa phương, cơ quan hành chính về truyền thông chính sách chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt trong cung cấp thông tin, giải thích thông tin chính sách cho các cơ quan báo chí còn thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo và chưa được chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời. Có nhiều nơi còn né tránh, thoái thác, cung cấp qua loa cho có hoặc chỉ có ý kiến khi có sự vụ xảy ra.

"Phóng viên của chúng tôi khi đi tác nghiệp, nhất là về những bất cập trong xây dựng và thực hiện chính sách thường gặp nhiều khó khăn, bị từ chối cung cấp thông tin là thường xuyên. Phần lớn phóng viên phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia độc lập.

Điều này dẫn đến nhiều khi đáng lẽ thông tin của các cơ quan báo chí chính thống là thông tin định hướng, dẫn dắt dư luận thì lại phải "nhường chỗ" cho các trang mạng xã hội "dắt mũi" dư luận trước", Tổng Biên tập Báo Tin tức nêu thực tế đáng suy ngẫm.

Lo ngại xu hướng né sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí - 1

Bà Ninh Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Tin tức (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).

Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn như hiện nay, bà Nga cho rằng việc không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí không phải là việc làm đúng đắn và khôn ngoan. Nếu không xử lý kịp thời, rất có thể dẫn tới khủng hoảng truyền thông và xa hơn nữa là tình trạng không đồng thuận đồng lòng trong thực thi chính sách, gây bất ổn xã hội.

Đây có thể coi là một lực cản lớn mà báo chí phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ trở thành nguồn lực quan trọng về truyền thông chính sách.

Chung quan điểm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức phản ánh nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp và chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp.

Không ít trường hợp đòi hỏi phải làm truyền thông bài bản ngay từ đầu nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin.

"Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng và cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách vẫn còn yếu, chưa trở thành nề nếp", ông Đức phân tích.

Việc không cởi mở với truyền thông để rộng đường dư luận, mà cứ lẳng lặng ban hành dẫn tới không ít văn bản có sai sót; khi báo chí và người dân chỉ ra thì nhiều hệ lụy rất khó giải quyết, thậm chí làm hỏng cả một chính sách.

"Phải khẳng định rằng, ngày nay, cấp nào, cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt công tác truyền thông chính sách thì chính sách được xây dựng, ban hành và thực thi trơn chu, hiệu quả.

Ngược lại, không làm tốt truyền thông chính sách thì thường xảy ra sự cố, thậm chí là khủng hoảng truyền thông làm ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến việc triển khai thực thi chính sách, thậm chí làm suy giảm uy tín, tín nhiệm của cơ quan nhà nước", ông Đức nói.

Nhiều bộ, ngành không tổ chức họp báo thường kỳ

Nhiều năm qua, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch… thường xuyên tổ chức họp báo hàng tháng, hàng quý để kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về các lĩnh vực quản lý, đang được dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của phóng viên theo dõi các lĩnh vực, một số bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao,… nhiều năm nay không tổ chức họp báo thường kỳ, định kỳ. Điều này khiến vấn đề báo chí đang quan tâm, tìm hiểu không có điều kiện để trao đổi kịp thời với cơ quan có thẩm quyền.

Đáng chú ý, ông Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết, còn phản ánh "thái độ" của cơ quan xây dựng chính sách khi được góp ý kiến phản biện.

Thông thường, những dự thảo chính sách được chuẩn bị công phu, nên khi có ý kiến không đồng tình (về một vài điểm nào đó) có khi lại nhận được "phản ứng ngược". Ông Đạt nêu thực tế hoạt động ở Báo Đại Đoàn kết khi không ít lần nhận "phản ứng ngược". Cụ thể là khi báo phản ánh về dự định tăng học phí, giá sách giáo khoa,một số tồn  tại trong ngành giáo dục, hay việc cung ứng điện, tăng giá điện.

"Có những ý kiến phản ứng nhằm gây áp lực để báo "từ bỏ" sự phản biện chính đáng", ông Đạt chia sẻ thực tế.

Nhấn mạnh phản biện dự thảo chính sách để chính sách sát thực tế hơn, tiến bộ hơn và phải xuất phát từ sự công tâm của cơ quan báo chí, ông Lê Anh Đạt mong mỏi cơ quan xây dựng chính sách cũng cần nhìn nhận, tiếp thu một cách thiện chí. Trường hợp không đồng ý với phản biện của cơ quan báo chí, thì có sự phản hồi chính thức bằng văn bản, tránh trường hợp gây áp lực bằng ý kiến cá nhân.

Đề xuất nhiều cơ chế, cách làm để truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao

 Nói về hiệu quả của truyền thông chính sách, ông Nguyễn Minh Đức đưa ra ví dụ Hà Nội được Trung ương giao chủ trì thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô cùng với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị để chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.

Trong đó, cùng với việc yêu cầu báo chí vào cuộc thông qua nhiệm vụ giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của dự án này.

"Đây có thể coi là chiến dịch truyền thông chính sách quy mô lớn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, chỉ trong vòng một năm, 7 quận, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 70%, bảo đảm đúng tiến độ để khởi công dự án vào ngày 25/6 và đến nay hoàn thành hơn 87% diện tích giải phóng mặt bằng dự án", ông Đức dẫn chứng.

Lo ngại xu hướng né sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí - 2

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nhờ truyền thông chính sách tốt nên chỉ trong vòng một năm, 7 quận, huyện ở Hà Nội hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 70%, bảo đảm đúng tiến độ để khởi công dự án Vành đai 4 vào ngày 25/6 và đến nay đã hoàn thành hơn 87% diện tích giải phóng mặt bằng dự án (Đồ họa: Tuấn Huy).

Thậm chí, nhờ truyền thông tốt nên người dân nhiều địa phương có dự án đi qua đều khẳng định rằng từ trước đến nay có 3-4 dự án thu hồi đất trên địa bàn, nhưng chưa dự án nào được triển khai bài bản, chu đáo, thuyết phục như Dự án Vành đai 4.

Từ đó, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhận định để truyền thông chính sách hiệu quả cần tạo ra và định hình cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng và cơ quan báo chí - coi đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo công khai, minh bạch.

Tổng Biên tập Báo Tin tức Ninh Hồng Nga nhận định lúc này cần lắm sự chủ động của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng... trong việc xây dựng cơ chế, cân đối ngân sách để thực hiện đặt hàng các chương trình truyền thông chính sách.

Việc "đặt hàng", theo bà Nga, cần phù hợp với từng cơ quan báo chí theo đúng chức năng, vai trò, thế mạnh và hoàn toàn có thể "phân vai" các cơ quan báo chí để phân bổ ngân sách đúng, trúng, hợp lý. Từ đó tạo ra một mặt trận truyền thông chính sách toàn diện, xuyên suốt, hiệu quả nhất.

Dưới góc nhìn của người làm công tác nghiên cứu, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, phản ánh thực trạng đáng lo ngại khi các cơ quan bộ ngành, địa phương có xu hướng "né" sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí, dẫn tới thông tin chính sách một chiều.

Để thay đổi, các bộ ngành, địa phương cần có bộ phận chuyên trách cung cấp thông tin, quản lý hoạt động truyền thông chính sách.

Lo ngại xu hướng né sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí - 3

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: SGGP).

"Báo chí là loại hàng hóa đặc biệt, cần nghiên cứu đảm bảo có chính sách thuế, tài chính ưu tiên cho báo chí và nhà báo. Cần gấp rút hoàn thành và triển khai cơ chế đặt hàng báo chí trong truyền thông chính sách, đặc biệt có quy định cụ thể với cơ quan chủ quản về trách nhiệm đảm bảo nguồn lực và cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí trực thuộc thực thi truyền thông chính sách", bà Hằng đề xuất giải pháp.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, khẳng định việc triển khai Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" đã tạo ra được sự chuyển biến lớn về nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của truyền thông chính sách, trên cơ sở đó đã có những hành động cụ thể để triển khai truyền thông trên thực tế.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực để tổ chức tuyên truyền hiệu quả, ngoài việc đưa tin cập nhật và có chất lượng còn tổ chức được nhiều hình thức truyền thông mới đa dạng trên nền tảng báo điện tử (Inforgraphic, E-Magazine, Megastory) và mạng xã hội; tổ chức với mật độ khá lớn các hội thảo, tọa đàm, đối thoại, phỏng vấn trực tuyến,... về các nội dung chính sách được quan tâm.

Nhiều báo tổ chức các chuyên mục riêng có chất lượng về các chính sách nổi bật, có tác động xã hội rộng lớn, thu hút được nhiều ý kiến góp ý, phản biện.

Lo ngại xu hướng né sự giám sát, phản biện chính sách của báo chí - 4

Một cuộc họp báo thường kỳ ở Bộ Tư pháp (Ảnh: Hồng Thái).

Ông Minh đề xuất, cơ quan ban hành chính sách cần đa dạng hơn hình thức tổ chức truyền thông. Ngoài các hình thức truyền thống như họp báo, hội thảo, tọa đàm, cần tổ chức nhiều hơn các chiến dịch truyền thông trọng điểm hàng năm như tổ chức các cuộc thi viết với giải thưởng và sự tôn vinh phù hợp, tổ chức các chương trình thực tế cho các phóng viên,... để có chất liệu và động lực cho các cơ quan báo chí cử nhân sự tham gia.

Hơn nữa, ông Minh cho rằng "đơn giá" và thủ tục đặt hàng báo chí truyền thông dự thảo chính sách cần được nghiên cứu theo hướng đơn giản, dễ nghiệm thu quyết toán, và đủ chi phí để các cơ quan báo chí tổ chức các nội dung tuyên truyền chất lượng, thay vì đủ số lượng tin/bài.

Đơn giá phải có sự khác biệt giữa các tuyến bài về nội dung khó thực hiện như tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, các vấn đề mới, phức tạp cần có thời gian tìm tư liệu, nghiên cứu, phỏng vấn nhiều chiều.