1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nghĩ ngợi sau nỗi bàng hoàng vụ sập cầu Cần Thơ

Tối qua, nghe bản tin thời tiết, nhiều người khấp khởi mừng vì cơn bão số 4 đã tạm “rút lui” khỏi vùng đất liền bắc miền Trung. Vậy mà sáng nay, lại bàng hoàng rơi nước mắt trước thông tin hàng chục người thiệt mạng trong vụ sập cầu Cần Thơ, và con số thương vong vẫn đang tiếp tục tăng lên từng giờ.

Việt Nam - một đất nước mà mấy chữ “thiên tai dịch họa” không còn gì lạ lẫm. Người Việt đã sống quen với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên và sự đỏng đảnh của thời tiết. Nhưng việc tự con người gây nên, lại khiến chính con người phải chịu đau đớn, chỉ vì sự vô trách nhiệm ở một nơi nào đó, thì có lẽ, chẳng ai, và chẳng bao giờ, ta có thể “quen” được.

 

Vội ngoái lại mấy năm trước, hẳn nhiều người sẽ còn nhớ những thảm kịch:

 

Vụ hỏa hoạn ngày 29/10/2002 tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (TPHCM) làm khoảng 60 người chết, 70 người bị thương, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

 

Vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh, xảy ra ngày 2/5/2003, làm 46 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương.

 

Vụ chìm tàu Diễm Tính (Cà Mau) ngày 30/4/2004, khiến 39 hành khách tử nạn, mười người khác mất tích.

 

Vụ tai nạn tàu E1 xảy ra ngày 12/3/2005 tại Lăng Cô, làm 11 người chết, hàng chục người bị thương, thiệt hại tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

 

Vụ chìm đò ở bến Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) xảy ra ngày 7/10/2006 khiến 19 học sinh thiệt mạng.

 

Cũng trong cơn bàng hoàng, ta chợt thấy ấm lòng hơn khi biết ở nơi đó, mỗi người đều đang gắng làm một việc có thể cho những nạn nhân của vụ sập cầu:

 

Ngay sau khi hay tin vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, Công ty Dược Hậu Giang đã huy động 100 cán bộ, nhân viên tổ chức hiến máu nhân đạo để cấp cứu những nạn nhân mất nhiều máu. Hàng chục y tá, sinh viên y đang thực tập tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và rất nhiều người dân cũng tham gia hiến máu.

 

Thứ trưởng GTVT Ngô Thịnh Đức có mặt; các y bác sĩ BV đa khoa Cần Thơ, Tây Đô túc trực tại hiện trường và trong bệnh viện để xử lí gấp các bệnh nhân; công an, quân đội 2 tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ đến ứng cứu... Và hàng triệu người dân cả nước đang hướng về phía Nam tổ quốc - nơi có những đồng bào đang trong cơn nguy cấp.

 

Nhìn con số thương vong của vụ sập cầu tăng lên không ngừng, chúng ta lại nhớ đến những con số khác. Theo báo cáo đầu tháng 2 năm nay của Thanh Tra Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2006, cả nước đã xảy ra gần 5.900 vụ tai nạn lao động với hơn 500 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm hơn 530 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương nặng.

 

Sao cho khỏi chua xót khi nghĩ đến những con số trên? Và sao cho khỏi không đau đớn với một điều: chính con người đã tự gây ra những thảm họa đó cho đồng bào mình.

 

Những con số giật mình nói trên cần phải được nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần nữa, thì mới đủ sức lay động lương tâm, trách nhiệm, và sự cẩn trọng tối đa trong mỗi người lao động?

 

Sự đầu tư lớn chỉ có thể tạo nên những toà nhà cao tầng, những con đường cao tốc,  những con cầu dài bắc qua sông rộng... nhưng  chưa thể tạo nên một môi trường làm việc công nghiệp, hiện đại và an toàn.

 

Theo Linh Thuỷ

VietNamnet