1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Người “nói chuyện” với... tử thi

Không ở phòng thí nghiệm sạch sẽ mà Lê Việt Dũng và đồng đội phải đào bới, khai thác hiện trường, mổ xẻ tử thi giữa cánh đồng sình lầy hay tại bãi tha ma dưới trời nắng lửa hầm hập...

Người “nói chuyện” với... tử thi  - 1

Đại úy Lê Việt Dũng

Một người đàn ông đẩy cánh cửa quán karaoke bước vào nhà với ý định thăm bạn cũ nhưng trước mặt ông là bà chủ quán chết trong tư thế nằm ngửa với rất nhiều vết máu. Vụ giết người kinh hoàng được báo công an.

 

Đại úy Lê Việt Dũng cùng đồng đội trong tổ khám nghiệm hiện trường của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội có mặt tại quán karaoke. Hiện trường vụ án đã bị xáo trộn. Không có nhân chứng và cũng chẳng có thông tin ban đầu nào về vụ thảm án.

 

Nhân vật duy nhất cung cấp lời khai liên quan đến vụ án vào thời điểm đó là người giúp việc cho chủ quán, Đồng Minh Chiến. Nhưng trước sau Chiến cũng chỉ nhất mực khai rằng, anh ta rời quán là lúc 23h30' hôm trước, khi đó nạn nhân vẫn còn khỏe mạnh. Mọi việc sau đó thế nào anh ta không biết.

 

Nhưng rồi, mọi nỗ lực của tổ khám nghiệm cũng đã được đền đáp. Trong số rất nhiều dấu vết thu thập ở hiện trường, Lê Việt Dũng cùng các đồng đội đã tìm thấy một dấu vân chân dính máu ở cửa phòng vệ sinh.

 

Qua giám định, dấu vân chân này chính là của Đồng Minh Chiến. Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp và khám xét chỗ ở của Chiến. Sau một thời gian đấu tranh, kẻ sát thủ giấu mặt Đồng Minh Chiến đã phải cúi đầu nhận tội.

 

Chiến khai nhận do xin bà chủ trả trước tiền công không được nên đã nảy sinh ý định sát hại bà. Chiến đã cầm cây chầy đập đá đập thẳng vào đỉnh đầu chủ quán karaoke và dùng các hung khí khác đâm, chém bà cho đến chết.

 

Vụ án mạng trên là vụ trọng án đầu tiên, Lê Việt Dũng được giao nhiệm vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường. Nhớ lại những ngày đầu khám nghiệm tử thi, buổi tối về anh phải mất cả đêm để an ủi, dỗ dành để vợ yên tâm ngủ ngon.

 

Đại úy Dũng tâm sự, trong cái nghề khám nghiệm hiện trường, nếu sợ hãi và ngại “nói chuyện” với những xác chết thì không thể nào bám trụ nổi với nghề. Khám nghiệm tử thi ở nhà xác còn có máy lạnh, có đầy đủ phương tiện thiết bị phòng độc. Còn Dũng và đồng đội phải đào bới, khai thác hiện trường, giải phẫu xác nạn nhân đã thối rữa hay có khi phải khai quật tử thi để tìm trong dạ dày, trong cuống họng, thực quản, hay thân thể có chất gì, dấu hiệu gì đọng lại gây ra cái chết của họ để tìm hướng điều tra...

 

Dũng nói rằng, anh muốn làm công tác kỹ thuật viên giám định hiện trường vì muốn tìm ra bản chất của sự việc, giải oan cho người tốt, kết tội kẻ xấu.

 

Gần 10 năm đã trôi qua, từ vụ án mạng nghiêm trọng đó, đại úy Dũng đã tham gia khám nghiệm hàng nghìn vụ án, vụ việc khác nhau. Vụ giết người đốt xác ở Cầu Giấy mà nạn nhân là một sinh viên trường ngoại ngữ, chính Dũng làm nhóm trưởng và đồng đội trong nhóm khám nghiệm là những người đã tìm ra dấu vết quan trọng nhất của vụ án. Đó là những chữ tiếng Hàn còn sót lại trong quyển sổ đã bị cháy thành than bên cạnh xác nạn nhân. Chính dấu vết này có ý nghĩa quyết định hướng điều tra của vụ án và chỉ vài ngày sau đó, hung thủ - một thanh niên người Hàn Quốc đã cúi đầu nhận tội...

 

Lê Việt Dũng là một trong số 10 đoàn viên xuất sắc nhất nhận giải Gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2008 của Giám đốc Công an Hà Nội trong Tháng thanh niên.

 

Theo Quang Vũ
Công an Nhân dân