1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người tham gia giao thông thiếu tính tự giác

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhiều người tham gia giao thông rất thiếu tính tự giác và chỉ chấp hành pháp luật khi có mặt lượng chức năng, đây là lỗ hổng trong văn hóa khi tham gia giao thông.

Khẳng định trên được Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT Bộ Công an) nêu ra trong buổi Tọa đàm "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 14/12 tại Hà Nội.

Thiếu tự giác là lỗ hổng văn hóa giao thông

Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, qua công tác xử lý vi phạm và qua theo dõi thống kê nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, một trong những nguyên nhân chính chiếm đến hơn 90%, là do ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người có hành vi coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) hoặc có những người không hiểu biết pháp luật về TTATGT.

Người tham gia giao thông thiếu tính tự giác - 1

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Ảnh: Duy Thông).

"Một điều rất buồn nữa là có những người tham gia giao thông rất thiếu tính tự giác. Họ chỉ chấp hành pháp luật khi có mặt lượng chức năng. Nếu không có lực lượng này, lập tức có hiện tượng chen lấn, luồn lách. Tính nhường nhịn khi tham gia giao thông rất kém", Thượng tá Minh nêu ra những khó khăn của ngành và khẳng định, thực tế không có lực lượng chức năng nào đủ quân số hoạt động trên mọi tuyến đường với số phương tiện đông như thế. Tất cả những hành vi trên là lỗ hổng trong văn hóa khi tham gia giao thông.

Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cũng cho rằng, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT vẫn chưa nằm trong nhận thức, ứng xử của một bộ phận khá lớn các thành viên trong xã hội. Đau lòng là những nạn nhân của TNGT lại chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động, những người tham gia giao thông nhiều nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh chỉ ra nguyên nhân dẫn đến gia tăng số vụ tai nạn giao thông là do hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế, sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.

"Ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để...", ông Trần Hữu Minh khẳng định.

Giải pháp nâng cao văn hóa giao thông

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 11 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người.

Trước thực trạng trên, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, công tác bảo đảm TTATGT, vai trò của cơ quan quản lý rất lớn, chủ đạo và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì các cơ quan đều thực hiện theo các quy định pháp luật. Bởi vậy, việc hoàn thiện về quy định, tạo các đột phá về thể chế là khâu quyết định với hoạt động bảo đảm TTATGT của lực lượng chức năng.

Người tham gia giao thông thiếu tính tự giác - 2

Tọa đàm "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị"

Bên cạnh đó, theo ông Minh, cần đẩy mạnh việc nêu gương của người trưởng thành, đặc biệt là phụ huynh. Thực tế hiện nay, theo Nghị quyết của Chính phủ và triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung ATGT đã được lồng ghép vào trong chương trình học của các cấp.

"Đây là bước đi rất đúng đắn để xây dựng văn hóa giao thông bền vững. Tuy nhiên, việc hình thành nhận thức, hành vi, thói quen tuân thủ pháp luật về TTATGT, các kiến thức đó phải được chính trẻ kiểm nghiệm trong thực tế. Trẻ quan sát chính những người trưởng thành, đặc biệt là bố mẹ, ông bà và những người xung quanh trong quá trình tham gia giao thông... để học hỏi và làm theo", ông Minh nói.

Cùng quan điểm với ông Minh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, ý thức tham gia giao thông cần phải hình thành trước. Bởi vậy, việc tuyên truyền, giáo dục là bước quan trọng, cần làm từ sớm và thường xuyên, liên tục.

"Thực hành việc này trong suốt 12 năm sẽ hình thành nền nếp, tạo thành thói quen, ý thức văn hóa, tôn trọng, nhường nhịn, biết chia sẻ với người khác. Tôi cho rằng, đó là cách giáo dục văn hóa không tốn kém. Được rèn luyện và thực hành việc di chuyển trong trường học như một hành vi văn hóa thì khi bước ra xã hội, học sinh cũng mang những nền nếp thói quen đó để hình thành nên văn hóa giao thông", ông Hà nêu quan điểm.