1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Người thầy lặng lẽ

(Dân trí) - Thầy Nguyễn Văn Toàn không dạy chữ. Thầy cưu mang các em nhỏ nghèo, khó khăn, dạy các em thuật múa kiếm, đi dây, múa dẻo,… Hy sinh cả hạnh phúc riêng, thầy Toàn đã giúp bao em nhỏ cơ nhỡ trong đoàn xiếc Hoa Ban vững tin khi bước vào đời.

Lá lành đùm lá rách

 

Thầy Toàn mới ngoài 40 tuổi nhưng để râu dài, tóc cũng dài, được cột lại đơn giản bằng sợi dây chun. Anh tự giới thiệu là Trưởng đoàn lưu diễn văn hóa nghệ thuật Hoa Ban. Nhìn ra làn trời mưa, anh chép miệng: “Đoàn về đây đã 8 ngày rồi. Mưa quá! Không diễn được buổi nào”. Chiếc sân khấu bằng gỗ ọp ẹp, treo mấy tấm phông đỏ phập phồng dựng sẵn, ướt nhoẹt trong mưa.

 

Trầm ngâm anh kể: “Đoàn có 11 người thì có tới 5 cháu nhỏ từ 6-14 tuổi phải kiếm sống từ nhỏ. Buồn vì các cháu không có điều kiện học văn hoá nhưng tôi cũng chỉ biết dạy các cháu cái nghề mà kiếm cơm”.

 

Chỉ vào cô bé dáng cao gầy đang khệ nệ bắc một cái nồi lớn lên bếp, anh Toàn hồ hởi khoe: “Cháu tên Linh, 12 tuổi được bà ngoại gửi gắm vào đoàn khi mới lên bảy. Giờ diễn khá lắm!”.

 

Cô Xuân, người chăm lo đời sống cho cả đoàn, chỉ tay vào góc nhà, nơi có một bộ trống, một chiếc đàn mở nắp đang hơ đèn điện vì bị ẩm và mấy chiếc thùng gỗ đựng đồ nghề cũ kỹ, than thở: “Gia tài hành nghề chỉ có vậy thôi”. Rồi cô lấy trong túi ra một cuốn sổ ghi chép, giọng não nề: “Cân đối thu chi để sinh hoạt, trả lương cho anh em diễn viên đau đầu lắm. Có đêm diễn chỉ được hai ba trăm ngàn cho từng ấy con người. Có những bữa diễn trên sân khấu xong, các em phải đi nhặt củi, hái rau về nấu cơm. Đỡ đồng nào hay đồng ấy”.

 

Người thầy thầm lặng

 

Sau bữa cơm trưa, ngoài trời bắt đầu hửng nắng. Mấy diễn viên nhí lăn ra ngủ. Trưởng đoàn nhắc: “Nghỉ ngơi rồi tập lại cắn kiếm và uốn dẻo bố dạy hôm trước Mai nhé”. Rồi anh quay sang tôi, kể: “Các cháu trong đoàn đều có những hoàn cảnh đặc biệt lắm”.

 

Mai 10 tuổi, quê Phú Thọ, là người dân tộc Dao, bố mẹ bỏ nhau, Mai ở với bà ngoại. Bà già yếu nên gửi Mai cho “bố” Toàn, xin bát cơm, cái nghề. “Cũng chần chừ lắm vì bản thân cũng đã dư dật gì đâu. Tớ thấy thương hoàn cảnh cháu quá nên xin phép nhận cháu vào đoàn”, anh tâm sự.

 

Cô Xuân nói với sang: “Chú ấy là nhà cứu trợ đấy! Nhận giúp dạy và truyền nghề cho các cháu mồ côi có hoàn cảnh éo le vào đoàn. Thế nên tiểu đội mới toàn diễn viên nhí đấy chứ!”.

 

Thế nên cả đoàn em nhỏ ai cũng quý thầy Toàn lắm, tất thảy đều gọi thầy là “bố”, thầy cũng coi tất cả như con đẻ.

 

Vừa lúc ấy hai ông già tay xách một túi khoai lớn và một quả bí ngô tới biếu đoàn. “Tôi thấy bà con nói đoàn xiếc của anh có mấy cháu nhỏ sáng qua đi nhặt khoai ngoài ruộng. Nhà trồng được tôi mang đến cho các cháu ăn”, ông già nói giọng nhân từ khiến anh Toàn không giấu nổi xúc động.

 

Buổi tối sân bãi khô ráo, sân khấu nhỏ nhộn nhịp tiếng nhạc và rực sáng ánh đèn. Bên  trong các diễn viên đang hối hả hoá trang chuẩn bị biểu diễn. Bên ngoài bà con đã đến xếp hàng mua vé. Mấy ai biết phía sau tấm màn sân khấu ấy là nhọc nhằn những nỗi mưu sinh. Mấy ai biết người thầy, người “cha” ấy đã phải hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình để lo cho các em nhỏ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, phải sớm bươn chải với đời.

 

Minh Thuỷ