1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Người thương binh mang chân giả leo núi trồng rừng

(Dân trí) - Sau 10 năm chiến đấu tại Campuchia, chàng thanh niên trẻ trở về quê hương, mang thương tật 81%, cụt một chân và 24 mảnh đạn nằm trong người. Hàng ngày người thương binh ấy vẫn lê từng bước chân khập khễnh để quản lý hơn 30 công nhân và 30ha rừng.

Người thương binh mang chân giả leo núi trồng rừng
Dù chiến tranh đã lùi xa một phần thân thể đã ở lại chiến trường nhưng hiện vẫn còn 24 mảnh đạn trên cơ thể. Mỗi lúc trái gió trở trời lại khiến ông đau nhức nhối nhắc ông nhớ về những tháng ngày không thể nào quên.
 
Những tháng ngày không thể nào quên

Cũng như bao người dân yêu nước khác, tháng 10/1977, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Bá Trực (SN 1955, ở xóm 5, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường K. Trong một lần bị địch truy quét tại điểm cao 804 thuộc Tà Xang (Campuchia), khi hai bên đang giao tranh ác liệt địch bắn như rải đạn nhằm ngăn chặn đường tiến quân của ta. Nhưng ông cùng các đồng đội vẫn ngoan cường chiến đấu không hẹn ngày trở về. 

Ông Trực nhớ lại: "Vào đầu năm 1982 trong lúc tui và một đồng chí liên lạc đang mải mê truy quét tàn quân Pôn Pốt thì trúng phải mìn. Sau tiếng nổ vang trời chúng tôi bị chôn vùi dưới đất. Khi tỉnh dậy thì thấy toàn thân ướt đẫm máu, khắp người đau nhức vì nhiều mảnh mìn găm sâu vào cơ thể và chân phải đã không còn. Điều buồn hơn là người đồng chí đi cùng đã vĩnh viễn nằm lại ở đất bạn", ông Trực nhớ lại giây phút mình bị thương đến bây giờ đôi tay ông vẫn run run.
 
Người thương binh mang chân giả leo núi trồng rừng
Dù cơ thể không còn lành lặn nhưng ông vẫn vượt khó khăn vượt núi, qua đồi trồng rừng. Để có thêm thu nhập ông còn tăng gia sản xuất nuôi thêm gà, lợn và dê.

Sau chiến dịch ông được đưa về tuyến sau điều trị. Tuy nhiên còn đó 24 mảnh đạn vẫn nằm trong cơ thể như những di vật của chiến tranh còn sót lại. Ông bảo mỗi khi trái gió trở trời nó lại "nhắc" ông nhớ về những ngày tháng hào hùng xông pha trên đất bạn làm nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng. "Cứ thời tiết thay đổi thất thường thì toàn thân nhức buốt như những mảnh đạn đang chui trong thớ thịt ấy. Nhưng biết làm sao được, đó là chiến tranh, chiến tranh đi rồi nhưng còn đó bạn tôi nằm trên đất bạn thì đau đớn hơn nữa", ông Trực tâm sự.

Năm 1987, sau một thời gian được điều trị tại các bệnh viện quân y, sức khỏe dần hồi phục ông trở về quê hương với thương tật 81%. Và vẫn còn nguyên những mảnh đạn trên người. Trở về quê hương với đôi chân không còn lành lặn nhưng những cái ôm hôn thắm thiết, sự chào đón niềm nở thân thương của bạn bè làng xóm, những bó hoa đồng nội mà hàng xóm láng giềng thân tặng khiến ông vơi bớt đi biết bao mất mát, và đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất không thể nào quên của người lính cụ Hồ.

Mang chân giả leo núi trồng rừng

Những ngày trở về với cuộc sống đời thường thường những vết thương chiến tranh vẫn không ngừng hành hạ ông. Các mảnh đạn trong cơ thể thường tái phát đau đớn như muốn đánh ngục cuộc sống hiện tại. Đôi chân không còn lạnh lặn ấy khiến ông gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, trong cuộc sống...

Thương binh Trực chia sẻ: "Những ngày tháng mới về quê quả thật là khó khăn khi sức khỏe tui ngày càng yếu, kinh tế gia đình ngày càng túng quẫn, nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Nhưng cứ nghĩ đến những người đồng đội tui vĩnh viễn nằm lại trên đất bạn, ngẫm thấy mình được trở về quê hương thế này là may mắn lắm rồi nên ráng vượt qua khổ đau vậy".

Hàng ngày ông Trực cần mẫn quản lý mỏ đá với hơn 30 công nhân thường xuyên làm việc.
Hàng ngày ông Trực cần mẫn quản lý mỏ đá với hơn 30 công nhân thường xuyên làm việc.

Cảm phục trước nghị lực của ông nên bà Tống Thị Vinh (SN 1959) đem lòng yêu thương và họ nên duyên vợ chồng trong cái đói, cái nghèo ở vùng núi rừng Hương Sơn. Cuộc sống của đôi vợ chồng càng khó khăn chồng chất hơn khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Kinh tế gia đình ngày càng túng quẫn khi vết thương của ông lại thường xuyên tái phát, tất cả chỉ dựa vào sức lao động của người vợ.

Sau nhiều đêm thức trắng, ông mạnh dạn bàn với vợ làm dự án vay vốn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, sau những tháng ngày miệt mài lao động, vườn cây không cho ông thu nhập.

Với quyết tâm và bản chất của một người lính cụ Hồ là không lùi bước trước khó khăn. Thế là ông tiếp tục bàn với vợ ở nhà chăm sóc con cái để mình ông lên rừng làm lán trồng cây và chăn nuôi. Nhận được lời khuyến khích động viên của vợ thương binh Nguyễn Bá Trực lại càng có thêm động lực để thực hiện dự định của mình. Nhưng đối với một thương binh bị cụt chân hàng ngày phải dùng chân nhựa để lên rừng trồng cây chăn nuôi cũng không hề đơn giản.

Ông dựng tạm cho mình một cái lán nhỏ trên rừng, với đôi chân tập tễnh nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài vượt hết quả đồi này đến quả đồi khác để trồng cây. Những bước chân của anh đi đến đâu thì diện tích trồng cây keo ngày càng mở rộng đến đó. Thấy chỉ trồng rừng thôi chưa đủ ông lại mạnh dạn mua gà, dê về thả vào rừng của mình. Và cũng chỉ sau hơn 5 năm vắn vỏi, ông đã có một rừng gỗ keo hơn 30ha cho thu nhập, gần cả trăm con dê, gà trong trang trại của ông.

Từ năm 2005 có chủ trương khai thác đá ở mỏ đá Eo Đào, thấy mỏ đá khai thác gần rừng của mình thương binh Nguyễn Bá Trực lại xin được thầu. "Ban đầu bên công ty khai thác đá không đồng ý để tui thầu vì họ nghĩ tui còn một chân đi lại còn khó nói gì đến chuyện leo lên mỏ đá quản lý công nhân. Nhưng rồi tui đã làm được, hiện tại mỏ đá do tui quản lý đang tạo công ăn việc làm cho 30 công nhân. Mỗi ngày khái thác gần 200 khối đá, thu nhập của anh em cũng rất ổn định. Mỗi tháng tôi trả lương cho công nhân trung bình là 3 triệu đồng/người/tháng, thú thật là tạo điều kiện cho các cháu trong làng, trong xã thôi", ông Nguyễn Bá Trực chia sẻ.
 
Với những cống hiến của mình ông Trực được phong tặng Huân chương chiến công hạng nhì.
Với những cống hiến của mình ông Trực được phong tặng Huân chương chiến công hạng nhì.

Nói về chồng mình, bà Tống Thị Vinh chia sẻ: "Bây giờ cuộc sống của gia đình đã đỡ phần khó khăn, lúc ông ấy bắt đầu lên núi trồng rừng ai cũng cho là ông ấy đang làm điều không tưởng, là lão "gàn, dở hơi"... Ai cũng bảo rằng chắc chắn ông ấy sẽ thất bại. Khi mà mô hình cho hiệu quả kinh tế thì nhiều người lại tìm đến học hỏi và làm theo. Không có sự kiên quết của ông ấy thì không biết đến bao giờ gia đình mới thoát nghèo…".

Nhờ sự quản lý tốt của thương binh Nguyễn Bá Trực nên gần chục năm đi vào hoạt động, mỏ đá Eo Đào chưa bao giờ xảy ra tai nạn lao động. Nhìn những cánh rừng còi cọc, hoang sơ bây giờ đã bát ngát màu xanh, những đoàn xe tải tấp nập ra vào chở đá mà ánh mắt của người thương binh rạng ngời.

Ngọc Huê - Lany Nguyễn