1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Nhiều bậc cha mẹ “chung tay” ngược đãi con trẻ

(Dân trí) - 352 là con số mới nhất về số lao động trẻ em vừa được phát hiện tại 10 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, trong đó gần một nửa trẻ làm giúp việc gia đình. Tại TPHCM, phát hiện một số vụ ngược đãi trẻ nghiêm trọng.

Tra tấn, bắt trẻ đi ăn xin

Theo kết quả báo cáo của đoàn thanh tra liên ngành, trong năm 2007 tại TPHCM đã phát hiện 3 vụ ngược đãi trẻ em nghiêm trọng. Tiêu biểu là vụ đối tượng Hồ Thị Ba (SN 1951, trú tại phường 2, quận 10) cố ý gây thương tích cho cháu Hồ Thị Bông, 9 tuổi.

Để có được tiền, Ba đã bắt cháu Bông đi ăn xin và đã nhiều lần hành hạ cháu Bông dã man. Lần gần đây nhất, đối tượng Ba đã dùng dây dù trói tay chân và lấy ấm đun nước đang sôi ném vào đầu cháu Bông, làm cháu bị bỏng 12% cơ thể.

Hiện cơ quan điều tra Công an quận 2 đang thụ lý điều tra để đưa Hồ Thị Ba ra xét xử. Cháu Bông đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.

Cũng với hình thức dùng trẻ làm "phương tiện" kiếm tiền như trên, Nguyễn Thị Ngọc ở Thanh Hoá, thường trú tại phường 5, quận 8, TPHCM đã thuê 3 em có độ tuổi từ 12-14 tuổi đi ăn xin.

Nhiều lần đối tượng đã cùng đồng bọn dùng roi sắt hành hạ mỗi khi các em không xin đủ số tiền qui định. Các em không thể nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu trận đòn, bao nhiêu vết bầm tím trên cơ thể. Cả khi bị ốm, các em cũng không được nghỉ ngơi, thậm chí còn phải làm việc nhiều hơn vì đối tượng Ngọc cho rằng đó là lúc các em dễ khiến người đời mủi lòng nhất.

Hiện Nguyễn Thị Ngọc cùng đồng phạm là Phạm Ngọc Minh và một số đối tượng khác đã bị truy tố với hành vi “Hành hạ người khác”.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an cũng phát hiện Đỗ Văn Xuyên, quê Thanh Hoá, thuê 6 em nhỏ cùng quê có độ tuổi từ 14 - 17 về TPHCM ăn xin. 

Các đối tượng Chương Văn Hùng (SN 1965) và Trần thị Phượng (SN 1957) cư trú tại quận 4, TPHCM thì bắt bốn trẻ em từ 6 - 8 tuổi đi bán hoa tươi và kẹo cao su cho các quán nhậu đến 2-3 giờ sáng. Nếu không bán được 100.000 đồng/ngày, các cháu sẽ bị đánh đập, phải nhịn đói và ngủ ở vỉa hè. Đáng chú ý là các phụ huynh của cả 4 cháu nhỏ này đều tự nguyện "cho thuê" hoặc bán con cho Chương Văn Hùng, để mặc tên này hành hạ con.

Hà Nội: Phần lớn trẻ làm ôsin gia đình

Theo báo cáo của đoàn thanh tra liên ngành, tại 10 quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã phát hiện 352 trẻ có độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi phải lao động, trong đó có 258 trẻ là nữ.

Trong số đó có 167 em làm giúp việc trong các gia đình, 116 em làm việc trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ, số còn lại làm trong các cơ sở sản xuất và các công việc khác... Các em có thu nhập bình quân từ 500.000 - 750.000 đồng/tháng.

Tại TPHCM, theo số liệu gần đây nhất thì có tới 758 trẻ phải lao động sớm với thu nhập bình quân từ 500.000 - 750.000 đồng/tháng. Công việc mà các em làm chủ yếu là bán vé số, phụ bán hàng ăn, may gia công...

Riêng đại diện của các ban ngành quận 3 và 10 khẳng định, hiện nay, hơn 1.500 công ty đăng ký kinh doanh trên hai địa bàn này không sử dụng lao động trẻ em và không có trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

Thực tế, cả Hà Nội và TPHCM đều chưa triển khai được các đợt kiểm tra, thanh tra về lao động trẻ em. Do đó, việc phát hiện các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái phép thường không đầy đủ. Đặc biệt, các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì cũng chỉ được phát hiện sau khi công luận lên tiếng. Và đau xót nhất là những đứa trẻ này đã phải chịu tổn thất lớn cả về thể xác lẫn tinh thần trước khi được giải cứu.

Một vấn đề nữa cũng cần phải lên án không chỉ là những trường hợp bảo kê, chăn dắt nhóm trẻ em lang thang mà ở đây chính là những người cha, người mẹ do thiếu hiểu biết cũng như tình thương đã cố tình bắt con cái phải đi lang thang kiếm sống hoặc vô tình biến con thành phương tiện hốt bạc cho những kẻ vô lương tâm khác.

Năm 2007, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) phát hiện trường hợp em Nguyễn Thị Bình, giúp việc cho quán phở của Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương, bị ngược đãi, đánh đập trong vòng 13 năm. Sự việc chỉ được các cơ quan chức năng vào cuộc sau khi báo chí lên tiếng.

Ngày 21/01/2008, TAND quận Thanh Xuân đã tiến hành xét xử sơ thẩm 2 đối tượng ngược đãi em Nguyễn Thị Bình với 2 tội danh “Hành hạ người khác và Gây tổn hại sức khoẻ cho người khác”. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên Trịnh Thị Hạnh Phương 45 tháng tù; Chu Văn Đức 36 tháng tù, cho hưởng án treo và đền bù cho Nguyễn Thị Bình tổng số tiền 50,4 triệu đồng.

Lan Hương