1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những nghề chỉ Tết mới có

(Dân trí) - Người Việt Nam ta gia đình nào cũng có hương án với bát hương, đài rượu, bình hoa, chân đèn… dùng cho việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Ngày Tết, nghề đánh bóng lư đồng, viết câu đối, bán cát bát hương,… được dịp “vào mùa”.

Dạo qua các con phố trên địa bàn TP Đà Nẵng như Nguyễn Hữu Thọ, Triệu Nữ Vương, Phan Châu Trinh… và các địa phương ngoại ô TP như làng Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu), một số xã của huyện Hòa Vang (xã Hòa Sơn, Hòa Bắc) dịch vụ đánh bóng lư đồng được mùa đắt khách. Hầu hết người làm dịch vụ này là dân lao động nghèo muốn kiếm thêm thu nhập để có đồng ra đồng vào sắm sửa, trang hoàng nhà cửa khi Tết đến xuân về.

 

Giá cả cho việc đánh mới một bộ lư đồng thờ cúng ông bà tổ tiên tùy theo khối lượng, kích thước và số lượng lư đồng nhiều hay ít. Qua khảo sát, nếu là bộ lư đại (cỡ lớn) có giá trung bình từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ. Bộ trung có giá dao động 100.000 đồng đến 140.000 đồng/bộ. Còn bộ tiểu (cỡ nhỏ) khoảng 60.000 đồng đến 80.000 đồng/bộ.
 

Những nghề chỉ Tết mới có - 1

Đánh bóng lư đồng, nghề "đỉnh" ngày tết

 

Anh Phan Gia Cường (45 tuổi), có dịch vụ đánh lư đồng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) cho biết: “Tôi làm nghề này hơn 5 năm nhưng đây là nghề tay trái, nghề chính của tôi thường nhật là hàn cơ khí. Tết đến sẵn có bộ mô-tơ đánh i-nox ở xưởng tôi mang ra đây làm thêm mấy ngày Tết để kiếm thêm thu nhập”. Theo anh, lư đồng có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ. Dễ đánh nhất là lư tứ giác, lư tròn.

 

Còn anh Nguyễn Văn Hải (42 tuổi), đánh lư đồng trên đường Trưng Nữ Vương cho hay: “Năm nào giáp Tết Nguyên đán tôi cũng dọn đồ nghề ra đây đánh lư đồng cho bà con trong xóm. Để hành nghề tôi đầu tư một bộ mô-tơ đánh lư đồng khoảng 3.000.000 đồng và hành nghề hồi thanh niên đến giờ, mỗi khi mô-tơ có cháy thì đem đi quấn lại”.

 

Anh Hải cho biết thêm, từ đây đến 28 Tết trung bình mỗi ngày cũng đánh được 4 đến 5 bộ đủ loại, nghề này mỗi mùa Tết thu về cũng được 3 đến 4 triệu đồng.

 

Nhìn thì đơn giản nhưng thực chất để đánh sáng một bộ lư đồng nếu không tuân thủ đúng quy tắc thì ít người có thể làm được. May mắn chúng tôi gặp ông Nguyễn Quyền (52 tuổi, trú tại lô 12B7, đường Kinh Dương Vương, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), người có thâm niên hơn chục năm làm nghề chia sẻ: “Nghề này là nghề thời vụ chỉ Tết mới có, ban đầu tôi tự mua đồ nghề và mày mò lâu ngày thành quen. Đến giờ thú thật được hơn chục năm trong nghề thành ra đúc rút ít nhiều kinh nghiệm mà lớp trẻ chưa biết. Dung dịch để ngâm lư đồng phải là dung dịch hữu cơ gồm 1 lít giấm hòa với 20 lít nước, ngâm lư đồng khoảng 5 phút sau đó đem ra đánh bóng. Khi đánh tay phải khéo để tránh làm lư đồng biến dạng; ở các khớp, khe, rãnh chạm trổ tinh vi phải đánh tỉ mỉ đảm bảo độ sáng đồng đều, tránh xây xước. Lư đồng sau khi đánh sáng được lau lại với tinh bột sắn và tiếp tục lau bằng vải sạch”.

 

Ông Quyền nói thêm: “Vợ chồng tôi làm nghề lâu năm nên đúc rút được vậy. Đó là nguyên tắc nếu muốn lư đồng sáng đều và sáng lâu. Chứ nhiều người họ dùng axit vô cơ nồng độ loãng để ngâm thành ra hư đồng, mới đánh thì thấy sáng nhưng để ít tuần sẽ có màu thâm đen lỗ chỗ, thậm chí rỗ đồng”.

 

“Những ngày này người dân trong vùng mang lư đồng đến đánh khá đều đặn, trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi cũng đánh được 5 đến 6 bộ đủ loại. Mùa Tết cũng nhờ nghề này mà kiếm thêm ít triệu tiêu Tết”, ông Quyền hồ hởi bày tỏ.

 

Cuối năm không riêng nghề đánh bóng lư đồng là nghề thời vụ, dạo qua các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng như chợ Hòa Khánh, chợ Cồn, chợ Hàn… dịch vụ bán cát trắng thay lư hương bàn thờ khá đông khách. Những người kinh doanh nghề này cho biết, cát mua từ các vựa vật liệu xây dựng ở Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) sau đó rửa sạch, sấy khô, sàn sảy rồi thuê xe chở ra TP Đà Nẵng bán. Giá 1 lon cát khoảng 2.000 đến 2.500 đồng, mỗi ngày lãi cũng được vài trăm nghìn đồng.
 
Những nghề chỉ Tết mới có - 2
Bán cát thay bát hương

 

Trên các con phố lớn của TP cũng bắt đầu xuất hiện dịch vụ vẽ tranh thư pháp của các “ông đồ” không chuyên. Hỏi ra thì biết những “ông đồ” này là các bạn SV trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng muốn kiếm thêm thu nhập trước khi về quê ăn Tết.
 
Những nghề chỉ Tết mới có - 3

Chàng sinh viên tranh thủ vẽ tranh kiếm tiền tiêu tết

 

Bạn Bùi Văn Hiếu (24 tuổi, SV năm cuối Khoa Kiến trúc - ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) vẽ tranh trên đường Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Tết năm nay em tranh thủ ở lại ít ngày vẽ tranh kiếm tiền. Trung bình mỗi ngày cũng vẽ được 3, 4 bức đủ loại. Tính luôn cả giấy, khung tranh, màu mực và công vẽ thì khung lớn A1 khoảng 400.000 đồng/bức, khung A2 khoảng 250.000 đồng/bức,...”.
 
Hiếu cho biết thêm, em cố gắng vẽ đến khoảng 28 Âm lịch mới về quê Quảng Ngãi ăn Tết.

 

Viết Hảo