1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Nghệ An:

Những người “sợ”... Tết

(Dân trí) - Căn bệnh phong mỗi ngày gặm nhấm, ăn mòn dần từng phần trên cơ thể những cụ già yếu ớt. Nhưng nỗi dày vò về tinh thần còn nặng nề hơn gấp trăm ngàn lần nỗi đau về thể xác. Trong cảnh thiếu thốn đủ bề họ “sợ” ngày xuân về...

Những mảnh đời bất hạnh ở nơi tận cùng đau khổ

Những ngày cuối cùng của năm Giáp ngọ chúng tôi về thăm làng phong da liễu (Quỳnh Lập, T.x Hoàng Mai, Nghệ An). Nơi đang chăm sóc và điều trị cho khoảng 230 bệnh nhân phong ở khắp mọi miền của tổ quốc. Đa phần trong số họ là những cụ già tuổi đã cao, không nơi nương tựa. Cuộc sống của các cụ, các mẹ dựa hoàn toàn vào số tiền trợ cấp ít ỏi với mỗi tháng chỉ hơn 350.000 đồng.

Những ngày cuối cùng của năm cũ con đường vào
làng phong vẫn tĩnh lặng đến buốt lòng.
Những ngày cuối cùng của năm cũ con đường vào làng phong vẫn tĩnh lặng đến buốt lòng.

Khi sắc xuân đang trở mình trên từng con phố nhỏ, nhà nhà người người đang rạo rực chờ phút giao hòa của đất trời. Ai cũng vội vã, cố gắng hoàn thành thật sớm những công việc còn dang dở để trở về sum họp với gia đình. Thì nơi đây không khí vẫn tĩnh lặng đến lạ thường trong làng phong.

Trên con đường dẫn vào làng phong vẫn không một bóng người qua lại. Chỉ có tiếng sóng biển rì rào đều đều vỗ vào bãi cát dài xa thẳm. Từng cơn gió lạnh buốt vẫn réo rắt len mình qua rặng phi lao già cỗi đang cố gắng chút sức lực cuối cùng che chở cho những mảnh đời bất hạnh phía trong những dày nhà trắng của bệnh viện phong.

Từ phía những căn phòng nhỏ, những ánh mắt mờ đục của các cụ già không ngừng nhìn ra phía con đường. Thấy chúng tôi, ánh mắt các cụ, các mẹ như ánh lên một niềm hi vọng. Không gian im lặng đến lạ. Bởi ngày tết đến, dường như ai đó cũng muốn nghe một giọng nói thân quen của người trong gia đình về thăm.

Những ngày cuối cùng của năm cũ con đường vào
làng phong vẫn tĩnh lặng đến buốt lòng.
Tại làng phong, có lẽ cành đào này là điều duy nhất báo hiệu các cụ biết ngày xuân sang.

Biết chúng tôi là phóng viến đến đây để thăm tất cả các cụ, mọi người trong làng ai nấy cũng vui mừng nhưng vẫn nuối tiếc vì tưởng người thân gia đình về. “Vậy là năm nay, chắc cũng chẳng ai đến thăm tôi. Đã 10 năm rồi tôi chưa được gặp người thân trong nhà. Chắc năm nay cũng thế”, cụ Nguyễn Thị Thìn (79 tuổi) một bệnh nhân đang điều trị tại đây buồn rầu chia sẻ.

Tết năm nay với cụ Thìn còn buồn hơn những năm về trước bởi người bạn tâm tình của cụ là ông Kiều Văn Thảo mới mất cách đây gần 1 tháng. Hai cụ đến với nhau cũng trong cảnh khốn cùng. Cùng mang trong mình căn bệnh quái ác, họ cố chăm sóc động viên nhau để vượt lên trong cuộc sống. Nhưng cụ ông đã vĩnh viễn ra đi cũng vì bệnh tình quá nặng.

Bệnh phong hay dân gian vẫn thường gọi là hủi. Trước kia, khi những người không may mắc phải căn bệnh này thường bị cộng đồng từ chối, hắt hủi, xa lánh. Ngay trong chính gia đình của mình những người bệnh cũng bị cô lập hoàn toàn. Bởi căn bệnh sẽ khiến những bộ phận trên cơ thể người bệnh thối rữa, phân hủy rồi rụng dần theo năm tháng nếu không được điều trị. Nhìn những triệu chứng như vậy người xung quanh sẽ sợ bị lây nhiễm và dần xa lánh không muốn tiếp xúc với họ.

Những ngày cuối cùng của năm cũ con đường vào
làng phong vẫn tĩnh lặng đến buốt lòng.
Trong những căn phòng nhỏ những mảnh đời bất hạnh vẫn đang mòn mỏi sống từng ngày trong sự thiếu thốn.

“Trước khi đến đây tôi cũng bị mọi người trong làng nơi mình ở, không ai dám tới gần tôi cả. Thậm chí có người còn mong cho tôi sớm chết đi nếu không sẽ lây cho cả làng. Rồi tôi may mắn được đưa về đây chăm sóc. Sống với mọi người cùng cảnh ngộ tôi cũng cảm thấy đỡ tủi thân”, cụ Nguyễn Thị Mùi (79 tuổi) bệnh nhân ở Ninh Bình chia sẻ.

Cụ Mùi cho biết, mình đã gắn bó với làng phong này hơn 50 năm. Nhưng suốt 50 năm ấy, cụ được 1 lần người thân đến thăm hỏi.

Ở làng phong này, ai trong số họ cũng đều có một câu chuyện riêng, những tháng ngày cùng khổ trước khi đến đây mà không ai muốn nhớ đến khoảng thời gian trong quá khứ ấy. Căn bệnh quái ác mỗi ngày ăn mòn từng tế bào trên cơ thể họ, giày xéo thân xác trong đau đớn đến tột cùng. Nhưng nỗi đau về tinh thần còn nặng nề hơn thế gấp trăm ngàn lần khi bị chính người thân mình xa lánh.

Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh
quái ác ăn mòn.
Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh quái ác ăn mòn.

Có những người khi bị ruồng bỏ, đã không ít lần họ nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính bản thân mình. Nhưng ông trời không cho họ được chết và may mắn họ được đưa về khu làng phong để điều trị.

Tại đây ngoài việc được chăm sóc, điều trị bằng thuốc, những bệnh nhân còn được nhận trợ cấp hàng tháng với mức 370.000 đồng/1 tháng. “Tiền trợ cấp chúng tôi chỉ giữ lại một chút để mua ít vật dụng cá nhân. Còn lại đều gửi cả cho những hộ lý ở đây nhờ họ mua thức ăn nấu nướng giúp bữa cơm. Ngày cũng chỉ ăn 2 bữa, gọi là cho có để tồn tại, để sống, để tiếp tục chịu sự hành hạ của bệnh tật”, cụ ông Vũ Mậu Tiếp buồn bã tâm sự.

Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ nấu cho các cụ bữa cơm đạm bạc với thực đơn chỉ có trứng và rau. “Được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, quan tâm chúng tôi cũng an tâm. Chúng tôi cảm ơn đảng nhà nước nhiều lắm. Khổ sở, thiếu thốn nhưng ở đây còn hơn nhiều so với thời gian trước khi ở bên ngoài”, cụ Nguyễn Văn Vấn chia sẻ.

Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh
quái ác ăn mòn.
Những ánh mắt đượm buồn của các cụ chờ mong người thân mình đến thăm trong những ngày tết đến.

Những người “sợ” mỗi lần Tết đến, xuân về...

Trên con đường nhỏ dẫn vào làng phong, cây đào hiếm hoi cũng đã nở rực, năm nay đào nở sớm hơn thường lệ. Có lẽ ở đây, cây đào hiếm hoi này là tín hiệu duy nhất báo hiệu ngày xuân. Bởi ở trong kia, những căn phòng vẫn lặng im, những con người khốn khổ vẫn co mình phía sau các cánh cửa cũ kỹ. Không một ai trong số họ mong ngày xuân về.

“Tết đến thì có nhiều đoàn từ thiện đến đây cho quà lắm. Có người thì cho cặp bánh chưng, gói kẹo, chai nước. Có đoàn thì cho tiền, quần áo. Tết cũng nhờ vào các đoàn từ thiện cả chứ chúng tôi cũng chẳng mua sắm thêm cái gì gọi là khác ngày thường. Bởi cũng chỉ một thân một mình mà tiền thì cũng chẳng có để mà mua sắm. Dù được nhiều quà nhưng tôi cũng không mong ngày tết sẽ đến vì những ngày đó buồn lắm”, Cụ Phạm Thế Mão (quê ở Thanh Hóa) nghẹn ngào tâm sự.

Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh
quái ác ăn mòn.
Những tấm thân già còm cõi, khiếm khuyết cố gắng chăm sóc, san sẻ cho nhau trong cái lạnh buốt lòng.

Ngày tết thường là lúc gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm vất vả làm việc. Dù giàu hay nghèo thì đến ngày đó sẽ về bên nhau quanh mâm cơm đoàn tụ, dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên. Nhưng ở đây các cụ cũng chỉ có một mình trong các căn phòng lạnh vắng. Xuân có sang, tết có về, đào có khoe sắc thì các cụ vẫn chỉ có một mình.

“Năm nay đào nở sớm có lẽ sẽ hết tết nhanh thôi. Chứ ở đây một mình xem trên ti vi thấy nhà nào cũng vui vẻ trong ngày đoàn tụ mà chúng tôi thèm lắm. Cũng chỉ mong qua nhanh những ngày tết để đỡ buồn hơn. Các cô, các cậu có phải đón một cái tết xa nhà không người thân thì mới cảm nhận được nó buồn và lãnh lẽo đến mức nào. Chúng tôi ở đây cũng đã mấy chục năm rồi, tết nào cũng thế cũng chỉ mấy thân già, những cái tay cụt gần một nửa níu lấy nhau mà hỏi han sức khỏe ngày xuân thôi. Buồn lắm”, cụ Nguyễn Văn Tạc (86 tuổi) nghẹn ngào tâm sự.

Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh
quái ác ăn mòn.
Cuộc sống tại làng phong gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Mọi thông tin hay tết, các cụ cũng chỉ được "thưởng thức" qua đài.

Những đôi chân, bàn tay bị căn bệnh “ăn” mất gần một nửa khiến việc đi lại, sinh hoạt cá nhân của các cụ gặp rất nhiều khó khăn. Có người “tự chế” cho mình những chiếc bát có quai vừa khít với một ngón tay duy nhất còn sót lại để nâng bát cơm lên. Có người thì vít hẳn hai chiếc thìa vào cùi tay đã cụt hẳn để xúc được thìa cơm một cách khó khăn. Mỗi thìa cơm như chan đầy nước mắt, họ gắng gượng cố chăm sóc lẫn nhau để vượt lên trong cuộc sống cùng cực.

Bát cơm sẻ nửa, quả trứng chia đôi, trái cà cắn nửa. Hay đơn giản chỉ là một lon nước được đoàn từ thiện tặng cho, họ cũng để giành để chia sẻ làm quà thăm nhau trong những lúc đau ốm.

Những tấm thân già còm cõi, gắng gượng bấu víu vào nhau, những đôi tay tật nguyền cụt đi phân nửa vun vén giữ cho nhau chút hơi ấm trong ngày đông giá lạnh. Họ cố gắng bù cho nhau những khuyết thiếu trên cơ thể.

Cơ thể biến dạng, mất đi từng bộ phận vì căn bệnh
quái ác ăn mòn.
Hầu như cụ nào trong làng phong này cũng mang bệnh nặng. Nhiều cụ mất cả tay lẫn chân. Nhiều cụ may mắn hơn vẫn còn đôi tay để chăm đôi chận khiếm khuyết.

Hai bàn tay gầy khô, run rẩy nhưng cụ Lê Khả Hồ vẫn thường xuyên bóp chân cho cụ bà Doãn Thị Xì. Cụ Xì bị căn bệnh phong ăn cụt mất đôi chân nên cụ cũng không thể đi lại được. Hơn thế nữa cụ Xì còn thường xuyên bị đau nhức các khớp xương trên cơ thể. Mỗi lần trái gió trở trời cụ Hồ lại là chỗ dựa duy nhất, chăm sóc cho cụ bà.

Đang tự lau vết thương cho mình, cụ Phan Dương Mềm tâm sự: “Mỗi năm con cháu chỉ vào thăm một lần vào dịp tết. Nhưng phải ra tháng giêng chúng mới đến được. Mỗi lần đến chúng mua quà, rồi còn cho thêm ít tiền để tiêu vặt. Nhưng mừng nhất là được nhìn thấy chúng, nghe được giọng nói của chúng. Còn bây giờ chúng nó cũng bận lắm, không đến được”.

Dù phải ra tết mới được người thân vào thăm nhưng cụ Mềm còn may mắn hơn nhiều những bệnh nhân khác tại đây. Cụ còn được nghe giọng nói của con, nghe được tiếng cháu gọi, được nhìn thấy chúng vui đùa quây quần bên mình. Dù chỉ là một chút thời gian.

Cụ Phan Dương Mềm tự chăm sóc vết thương cho
mình, cụ “khoe” hết tết sẽ được gặp người thân.
Cụ Phan Dương Mềm tự chăm sóc vết thương cho mình, cụ “khoe” hết tết sẽ được gặp người thân.

Co mình trên chiếc giường bệnh cụ Nguyễn Thị Luân quê ở Thanh Hóa lặng lẽ: “Hai chân tôi thì bị liệt, mắt lại mù không nhìn thấy gì cả. Mọi sinh hoạt cũng nhờ vào các cán bộ tại đây chăm sóc. Cả ngày, cả tháng, cả mấy chục năm rồi tôi cũng chỉ nằm trên chiếc giường này thôi. Tết có đến cũng chỉ nghe qua đài, nghe tiếng pháo nổ đêm giao thừa chứ có nhìn thấy gì đâu mà biết”, nói đoạn cụ lại co mình trong chiếc chăn cũ kỹ những giọt lệ lăn dài từ đôi mắt nhăn nheo đục ngàu tự lúc nào không biết.

Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Viết Dương - Giám đốc bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập cho biết: “Cuộc sống của những bệnh nhân phong tại đây vô cùng khó khăn. Hàng tháng Ban giám đốc bệnh viện đều vận động cán bộ công nhân viên tự nguyện ủng hộ 1 ngày lương để phần nào hỗ trợ, chăm sóc thêm cho các bệnh nhân. Vào các dịp lễ tết cán bộ bệnh viện đều tổ chưc thăm hỏi động viên trao quà đến các bệnh nhân. Đặc biệt vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, ban lãnh đạo bệnh viện năm nào cũng xuống đón giao thừa ăn tết cùng với các bệnh nhân”.

Cụ Phan Dương Mềm tự chăm sóc vết thương cho
mình, cụ “khoe” hết tết sẽ được gặp người thân.
Tết đến, xuân về nhưng các cụ trong làng phong chẳng ai mong có tết. Bởi lúc đó là lúc buồn và chạnh lòng nhất của họ.

Rời làng phong mà lòng chúng tôi nặng trĩu. 230 bệnh nhân phong tại đây đang cần lắm sự sẻ chia giúp đỡ của các nhà hảo tâm, những trái tim thiện nguyện đến với mình. Để chia sẻ nỗi buồn, giúp các cụ vơi bớt đi những thiếu thốn về vật chất đặc biệt là về tinh thần. Một lời hỏi thăm động viên chia sẻ cũng khiến họ ấm lòng, khiến những giọt nước mắt sẽ không còn lăn dài trên khuôn mặt đau khổ.

Xuân đã về mang theo từng cơn gió lạnh, nhưng những phận người nơi đây vẫn co mình lặng lẽ. Họ sợ tết đến, sợ cái thời khắc xuân sang, sợ nỗi buồn dài đến vô hạn khi tấm thân tật nguyền, khiếm khuyết một mình trơ trọi lại trong những ngày xuân.

Nguyễn Tình - Nguyễn Duy