1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Nợ lương giáo viên, nhà trường thành “chúa chổm”

(Dân trí) - Hàng chục giáo viên ở Nghệ An đang kêu trời vì hai tháng nay chưa nhận được một đồng tiền lương. Phía các nhà trường cũng đang “điên đầu” vì không biết kiếm đâu ra hàng trăm triệu đồng để trả nợ.

Đó là tình cảnh chung của nhiều trường học thực hiện mô hình trường lớp bán công thuộc bậc trung học phổ thông ở Nghệ An, trong những ngày đầu tựu trường.

 

Những chủ nợ bất đắc dĩ

 

Nhiều giáo viên ở Trường THPT Nghi Lộc 3 (xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, hai tháng 7 và 8 năm 2007, họ chưa hề nhận được một đồng lương nào. Cuộc sống của họ hết sức khó khăn vì không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương. Không có lương, kinh tế rất túng quẫn.

 

Được biết hiện ở trường Nghi Lộc 3 còn hơn 30 giáo viên chưa được nhận lương tháng 7 và tháng 8. Đây là số giáo viên thuộc diện biên chế tự trang trải, lương của họ hầu hết phụ thuộc vào học phí của học sinh. Khi học sinh nghỉ hè, không có nguồn thu học phí, lập tức nguồn lương của các giáo viên này cũng bị “cắt”.

 

Tổng lương mà nhà trường phải trả cho số giáo viên trên là hơn 44 triệu đồng/tháng. Đó là còn chưa tính đến một số khoản như tiền chế độ quá tiết, bảo hiểm xã hội cho giáo viên... 

 

Không chỉ Nghi Lộc 3, nhiều trường THPT khác ở Nghệ An cũng đang rơi vào tình cảnh “chúa chổm”. Nhiều giáo viên ở Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) biết nhà trường khó khăn nên đành nhắc nhau cố “chịu đựng”.

 

“Khai trường vui vẻ với học sinh là thế nhưng tui biết đồng nghiệp buồn lắm. Mà vui sao nổi khi hai tháng nay họ chưa hề nhận được đồng lương nào. Nhưng biết nhà trường cũng đang khó khăn nên chúng tôi cũng làm thinh”, một giáo viên trường Thái Lão thành thật.

 

Trường THPT Thái Lão có 84 cán bộ, giáo viên thì có đến 38 giáo viên thuộc diện biên chế tự trang trải. Hai tháng 7, 8, số giáo viên này chưa hề nhận được một đồng lương nào. Tổng số tiền mà nhà trường còn nợ họ cũng gần 150 triệu đồng.

 

Nhà trường thành “chúa chổm”

 

Theo ông Nguyễn Hải Ninh, dự trù kinh phí chi là hơn 2,5 tỷ  đồng, bao gồm tiền trả lương biên chế và tự trang trải cho giáo viên. Ngoài ra một số khoản chi khác như tiền thanh toán quá giờ giảng dạy, làm việc ngoài giờ của cán bộ, giáo viên, tiền thưởng... Trong khi tiền học phí và kinh phí nhà nước cấp chỉ hơn 2 tỷ đồng. Vậy nên cân đối thu chi năm học 2006-2007, nhà trường bị “âm” đến hơn 460 triệu đồng.

Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão, giãy nảy khi chúng tôi đề cập đến khoản nợ trên: “Đúng là thế, chúng tôi đã báo cáo lên Sở GD-ĐT Nghệ An rồi. Đang chờ hướng giải quyết chứ không biết làm cách nào cả. Hiện tại tổng 2 tháng lương trường chúng tôi cũng đã nợ gần 150 triệu đồng rồi. Nếu tính cả các khoản khác không biết sẽ lên đến bao nhiêu!”.

 

Cũng theo ông Đông thì năm học 2007-2008 Trường Thái Lão có 32 lớp học với hơn 1 ngàn học sinh. Trong đó có 12 lớp bán công, tương đương với gần 600 học sinh. Trong khi đó, trường có 38 giáo viên thuộc diện biên chế tự trang trải. Số giáo viên này hầu hết lệ thuộc vào tiền thu học phí của học sinh. Khi học phí không được tăng, lại không có khoản ngân sách nào phụ giúp, việc trả lương cho các giáo viên là hết sức khó khăn.

 

Trong khi vấn đề tài chính đang “nóng” như vậy thì ở trường Thái Lão lại tồn tại một thực tế là tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Hiệu trưởng Trần Văn Đông tiết lộ: “Giáo viên diện biên chế tự trang trải phần nhiều là do “lịch sử” để lại. Do trước đây không cân đối giáo viên giữa các môn nên môn thì thiếu giáo viên, môn lại thừa. Cụ thể như môn Toán thừa 3, 4 giáo viên, môn Văn thừa 2, 3 giáo viên, Hoá rồi Địa Lý lại thiếu 1, 2 giáo viên...”.

 

Không khá hơn trường Thái Lão, ban giám hiệu Trường THPT Nghi Lộc 3 cũng đang đau đầu tìm cách trả nợ. Hiệu trưởng Nguyễn Hải Ninh giải thích: “Học phí của học sinh thì chỉ thu 9 tháng. Trong khi lương giáo viên thì phải trả 12 tháng. Thế nên phải chờ đến khi học sinh vào học (tháng 9) mới có tiền trả cho những giáo viên thuộc diện tự trang trải. Trước đây lương tối thiểu là 290.000 đồng, rồi đến 350.000 đồng, nhà trường vẫn trả được. Nay lương tối thiểu là 450 ngàn nên rất khó cân đối”.

 

Lấy tiền xây dựng để bù tiền lương?

 

Hỏi về lời giải cho bài toán nợ lương, ông Nguyễn Hải Ninh phân trần: “Hiện trường chúng tôi có 93 cán bộ, giáo viên thì có đến 32 giáo viên thuộc diện biên chế tự trang trải. Trong khi đó năm học này trường có 42 lớp, nhưng chỉ có 12 lớp bán công với gần 600 học sinh. Thế nên năm nay, chúng tôi cũng vẫn gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên.

 

Trước mắt, để giải quyết hai tháng lương 7 và 8, nhà trường sẽ lấy tiền xây dựng. Mặt khác sẽ thu 3 tháng học phí của học sinh để trả nốt lương cho giáo viên. Bây giờ chỉ có cách lấy tiền học phí của năm sau để trả cho năm trước thôi.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Thời gian tới, nếu không có sự trợ giúp của ngân sách hay ngành chức năng thì tình trạng nợ đọng như hiện nay sẽ lại tái diễn. Vì bắt đầu từ năm nay, học sinh hệ bán công sẽ giảm trong khi giáo viên diện tự trang trải thì vẫn giữ nguyên”.

 

Cũng “bí” như Nghi Lộc 3, ông Trần Văn Đông thất vọng: “Chưa có hướng giải quyết nào cả. Chỉ có cách lấy học phí của năm nay trả cho giáo viên thôi. Nếu cứ thế này thì năm nào trường cũng nợ vì nguồn học phí thì thấp, biên chế tự trang trải thì cao...”.

 

Chưa có biện pháp giải quyết, nhiều nhà trường cứ phải nghĩ cách “giật gấu vá vai”; còn hàng chục giáo viên thì đành cắn răng “nhịn” lương, mong vào năm học mới...

 

Nguyên Nghĩa - Nguyễn Duy