1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ô sin thời lạm phát

(Dân trí) - Thời buổi này, không chỉ gia chủ mới có quyền đưa ra yêu sách mà người giúp việc cũng có lắm “tiêu chuẩn nghề nghiệp”, như sau 3 tháng phải tăng lương, mỗi tháng được về quê một lần, mỗi năm mấy lần được mua mới quần áo, giày dép…

Ô sin đắt giá

 

Tới các trung tâm giới thiệu người giúp việc trên phố Hoàng Quốc Việt, Hàm Long, Xã Đàn… (Hà Nội) bây giờ, các gia chủ khó có thể thuê ngay được một người giúp việc đúng yêu cầu. Thậm chí theo được các đòi hỏi của người giúp việc cũng đủ mệt mỏi.

 

Người giúp việc cũng chia ra nhiều nhóm, nhưng có hai nhóm cơ bản là ô sin tại chỗ (ăn ở tại nhà chủ) và ô sin di động (chỉ làm việc trong giờ hành chính). Ngoài ra có một nhóm đặc biệt hơn là nhóm những người giúp việc cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhóm này đòi hỏi lương cao tới 5 triệu đồng/tháng và có ngày nghỉ chủ nhật.

 

Thường nếu gia chủ có chỗ ăn ở cho ô sin thì lương thỏa thuận là 2500.000 đồng/tháng, nhưng nếu nhà chủ có nhiều tầng, có người già và trẻ nhỏ thì mức lương phải cao hơn.

 

“Giờ lương thực, thực phẩm, điện nước, xăng dầu, giá sữa… cái gì cũng tăng, mà thuê thêm một người giúp việc nữa thì coi như lương mình đi làm chỉ đủ tiền trả lương cho ô sin thôi, chưa kể tiền ăn ở của họ. Có tháng, thình lình bác giúp việc đòi về quê, vậy là mình phải nghỉ ở nhà trông con, bí bách không làm gì được” - chị Hương ở phố Chùa Láng chia sẻ.

 

Đổi lại về phần mình, chị Tương quê Thanh Hóa, một người chuyên nghề giúp việc cho các gia đình ở Hà Nội cũng than thở: “Nếu cứ trả cho chúng tôi mức lương như trước thì chúng tôi không để ra được đồng nào gửi về nuôi con ăn học ở quê. Giá cả mọi thứ đều tăng, chúng tôi cũng phải chi phí cho nhiều việc của gia đình chứ có phải ở trong nhà cả ngày mà không tiêu gì đâu. Nếu không tăng lương, thà chúng tôi đi làm việc khác”.

 

Cung không đủ cầu

 

“Chờ” là câu trả lời chung mà các trung tâm môi giới việc làm nói với những người tới tìm thuê người giúp việc. Người thuê thường phải đặt hàng trước, để lại tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, chờ khi có người trung tâm sẽ liên lạc lại.

 

“Mình đã để lại thông tin ở ba trung tâm việc làm rồi. Gần chục ngày sau mới thấy họ gọi nhưng mình thật sự cũng chưa thuê được ai trong số họ giới thiệu. Hy vọng một hai ngày nữa sẽ tìm được người ưng ý vì quả thật mình đang rất cần” - anh Minh ở phố Thụy Khuê chia sẻ.

 

So với ô sin tại chỗ, tìm ô sin di động, làm “part time” còn khó hơn nhiều. Tâm lý gia chủ nào cũng không muốn có người lạ ăn ở trong nhà mình nên dịch vụ này rất được ưa chuộng. Ngược lại, những người giúp việc lại rất thích chọn những nhà chủ không có người già, trẻ nhỏ và người ốm đau bệnh tật…

 

Thật sự khó để đến các trung tâm lúc này tìm được một người giúp việc cho người nước ngoài. Ô sin nhóm đặc biệt này được xếp vào “nghề cao cấp” và là “của hiếm” trong số những người giúp việc, vì họ vừa phải biết làm việc nhà, lại phải biết đôi chút ngoại ngữ giao tiếp; thậm chí phải học nấu món tây để phục vụ những ông bà chủ ngoại quốc.

 

Bên cạnh nỗi lo tăng giá ngoài chợ, nhiều công chức còn đang khổ về nỗi lo tăng lương ô sin.

 

Thanh Xuân