Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Sáng 12/10, dưới sự chủ trì của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023 với chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đã được tổ chức tại Hà Nội.

Cả nước có gần 3.800 hợp tác xã

Tại diễn đàn, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, theo thống kê, đến nay các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã (HTX) và khoảng 20.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.

Doanh thu bình quân hàng năm của mỗi HTX đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%).

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã - 1

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023 được tổ chức sáng 12/10 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bên cạnh đó, các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Phó Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2, về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Đảng, Nhà nước cũng xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Song các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong nông nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã - 2

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Phấn đấu năm 2030 cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp.

Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Đối với các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại Diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã.

Ông Lê Minh Khái cũng đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng báo cáo cụ thể bằng văn bản những kết quả, nội dung đã đạt được trong Diễn đàn; đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị để triển khai tổ chức, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.

Phó Thủ tướng hoan nghênh tinh thần làm việc khẩn trương, hoàn thành hầu hết các nội dung đã đề ra tại diễn đàn.

Sau diễn đàn, các hợp tác xã tiêu biểu vẫn có thể tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất bằng văn bản tới cơ quan chức năng, có thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, bền vững.

Phó Thủ tướng hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, trong thời gian tới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta sẽ sớm phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, được sự đồng ý và cho phép của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 Nông dân xuất sắc đã được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.