1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Phát hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý nông, lâm trường

(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức như lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật.

Ngày 10/11, tại hội trường, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện và kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014.

Chính quyền không muốn lấy đất xa, đất xấu

Theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm qua đã phát hiện 54 doanh nghiệp, ban quản lý rừng còn có tranh chấp với diện tích 18,315 ha; 76 doanh nghiệp, ban quản lý rừng bị lấn chiếm với diện tích 59.668 ha; 34 doanh nghiệp, ban quản lý rừng đang cho mượn, chuyển nhượng đất với diện tích 5.034 ha.

Qua công tác thanh tra toàn diện tại 123 nông, lâm trường và các công ty chuyển đổi từ các nông, lâm trường trên địa bàn 53 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương từ 2012 đến nay, cho thấy tình trạng tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật phổ biến. Các hình thức vi phạm điển hình như cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, chuyển mục đích trái pháp luật; giao khoán không đúng quy định; không thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải phản ánh tình trạng tranh chấp đất đai
Đại biểu Nguyễn Thị Hải phản ánh tình trạng tranh chấp đất đai

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 năm qua các nông, lâm trường, ban quản lý rừng đã bàn giao cho địa phương quản lý 883.012 ha. Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so với yêu cầu.

Hiện nay nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép. Diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận.

Tại các đơn vị sau cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo. Trong 3 đơn vị cổ phần hóa, do không quản lý chặt chẽ nên phần lớn diện tích đất trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép (trước khi cổ phần hóa); khi thực hiện cổ phần hóa, đơn vị không thu hồi được.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Thảo luận tại hội trường về vấn đề trên, địa biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) phản ánh tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất của người dân rất trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Các địa phương Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát như Yên Bái có trên 9.000 hộ thiếu đất sản xuất, Sơn La và Thái Nguyên còn 10.265 hộ thiếu đất sản xuất, Tuyên Quang có trên 4000 hộ thiếu đất sản xuất.

Đại biểu đề nghị rà soát chính xác tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của các hộ dân, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát quỹ đất chưa sử dụng của các địa phương, xử lý nghiêm khắc các đơn vị sử dụng đất lãng phí, sai mục đích.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Hải (đoàn Nghệ An) cảm thấy trăn trở với vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp với người dân và địa phương. Theo đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó chủ yếu là người dân sở tại thiếu đất sản xuất canh tác trong khi các công ty có nhiều đất để hoang hóa. Ngoài ra, còn có tình trạng buông lỏng trong quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị kịp thời rà soát, tạo sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý và hoạt động của các nông, lâm trường. Quá trình đó phải xác định quyền lợi người dân được đặt lên hàng đầu, lấy sự tham gia của người dân làm trọng tâm. Ngoài ra, các đơn vị phải phân rõ trách nhiệm quản lý các nông, lâm trường của bộ ngành, địa phương, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Quang Phong