Sài Gòn đang... nhỏ dần vì sạt lở

(Dân trí) - Ngoài việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông, kênh rạch đã làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến gia tăng sạt lở. Riêng tại quận 9, đã có hơn 40 ha đất bị sạt lở trong hơn 10 năm qua.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Ngày 1/7, một đoạn bờ sông có diện tích khoảng 2.000 m2 tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã bất ngờ bị sạt lở trong đêm, kéo theo ngôi nhà kiên cố cùng 3 người trong nhà xuống sông nhưng may mắn được cứu sống.

hiepbinhphuoc-1440800367668
Hiện trường vụ sạt lở tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước

Sau đó 3 ngày, một vụ sạt lở tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) làm 1.000 m2 đất trôi xuống sông, kéo theo 2 ngôi nhà liền kề. May mắn, 11 người trong 2 gia đình này may mắn thoát chết. Mới đây nhất, tối 9/7, một khu đất rộng khoảng 400 m2 tại xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) bị nhấn chìm xuống sông Mương Chuối khiến ngôi nhà rộng hơn 100 m2 bị chìm theo.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác dịch vụ Thủy lợi TP, 7 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố đã xảy ra 11 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng diện tích hơn 4.500 m2 gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản và đe dọa đến tính mạng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong khi đó, theo Khu Quản lý đường thủy nội địa TP HCM, từ tháng 5 đến nay đã phát sinh 8 điểm sạt lở. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm mới; quận 2, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Nhà Bè mỗi nơi thêm một điểm.

Tại quận 9, theo Phòng tài nguyên và Môi trường quận này, từ năm 2003 đến nay đã có hơn 40 ha đất tại 2 phường Long Bình và Long Phước bị sạt lở. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khai thác cát lậu dọc bờ sông Đồng Nai.

nhabe-1440800347005
Nước ăn sâu vào sát mép môt ngôi nhà tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè

Tại huyện Nhà Bè, từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ sạt lở lớn cuốn trôi hàng nghìn mét vuông đất, nhiều căn nhà, tài sản,… xuống sống. Tại sông Mương Chuối, đoạn qua xã Nhơn Đức, dài khoảng 600 m nước xoáy sâu vào bờ tạo những hàm ếch, có nhiều điểm bị sạt lở nước ăn sâu vào đất liền 5 – 7 m. Toàn huyện có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 2 điểm sạt lở nguy hiểm.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 44 vị trí sạt lở bờ sông, trong đó có 31 điểm đặc biệt nguy hiểm, 10 điểm nguy hiểm.

Hiện có 28/41 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm đã được triển khai các dự án chống sạt lở. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn nhiều khó khăn. Trong số các dự án trên chỉ có 10 dự án đang triển khai thi công, 4 dự án chuẩn bị thực hiện và 14 dự án chuẩn bị đầu tư.

Quốc Anh

xahoi-35187