DNews

Sáp nhập 80 phường ở TPHCM: Người dân gặp khó khăn gì?

Tâm Linh Q.Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia khẳng định không thể tránh khỏi nhiều vướng mắc sau khi TPHCM sáp nhập 80 phường. Tuy nhiên, các khó khăn chỉ diễn ra thời gian đầu và sẽ ổn định sau vài tháng đến một năm.

Sáp nhập 80 phường ở TPHCM: Người dân gặp khó khăn gì?

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo phương án TPHCM trình Bộ Nội vụ, địa phương chỉ sắp xếp 80 phường thuộc địa giới của 10 quận giai đoạn 2023-2030. 

Chuyên gia đô thị và bất động sản cho rằng, từ trước tới nay, việc tách - ghép địa phương đều xảy ra khó khăn không tránh được đối với cả người dân và chính quyền.

Rắc rối khó tránh khỏi

Tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 13, khóa X, diễn ra ngày 6/12, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết, qua nắm bắt thông tin, người dân TPHCM mong muốn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 sẽ được chính quyền các cấp thực hiện theo kế hoạch với phương án hợp lý, khoa học. Các cử tri mong muốn, việc sắp xếp này đi cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.

"Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng cần sự đánh giá toàn diện, đồng bộ về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa và sự phát triển chung của toàn TPHCM", bà  Yến bày tỏ.

Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đưa ra dẫn chứng cụ thể về những rắc rối sẽ xảy ra khi sáp nhập phường ở TPHCM.

Việc sắp xếp lại địa phương trước hết sẽ thay đổi địa chỉ nhà cửa trên các loại giấy tờ. Việc đi đổi thông tin trên giấy tờ tùy thân không phải vấn đề quá khó. Nhưng, khi thay đổi thêm các giấy tờ thủ tục mua bán chứng từ trước đây (sang nhượng, thừa kế, giao dịch tài sản nhà cửa, tài sản, xe cộ…), khi giao dịch sẽ phát sinh vấn đề phức tạp cho người dân.

Chuyên gia lấy dẫn chứng về việc thay chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân (CCCD) trước đây, mỗi người lại phải xin thêm nửa tờ giấy A4 ghi xác minh thay đổi thông tin, từ đó mới có thể mang đi chỉnh sửa thông tin trên các loại giấy tờ khác như thẻ ngân hàng, chứng từ...

"Tưởng là thu gọn lại, hóa ra phải thêm một tờ giấy nữa. Lần sáp nhập này cần rút ra bài học của CCCD, không nên rườm rà thêm thủ tục", ông Nguyên nói.

Sáp nhập 80 phường ở TPHCM: Người dân gặp khó khăn gì? - 1

Hình thức giấy tờ tùy thân như CCCD từng thay đổi vài lần, dẫn đến người dân mất thời gian đi làm thủ tục cấp đổi (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Không chỉ nhìn dưới góc độ người dân, TS Nguyên còn chỉ ra, khi thay đổi sẽ khiến khối lượng công việc cho công chức tăng gấp nhiều lần.

Ông lấy dẫn chứng việc sắp xếp lại các tổ dân phố, khu phố rằng khi sáp nhập sẽ khiến quy mô hộ dân lớn lên, trở thành vấn đề gây khó cho chính quyền khi tiếp xúc người dân và kiểm soát các hoạt động dân sinh.

"Bạn tôi là tổ trưởng dân phố. Tôi hỏi làm thế nào để triển khai được truyền tải thông tin, chính sách của thành phố, bạn khẳng định: Làm sao triển khai được, chỉ đủ thời gian thu một số chi phí theo quy định, giải quyết một số vấn đề nổi cộm trong khu dân cư.

Hạn chế của việc sáp nhập là chính quyền khó khăn hơn khi quản lý hoạt động dân cư, số lượng người dân trong địa phường càng nhiều sẽ càng tạo một lớp màng che. Tôi ví những chính sách của thành phố đưa xuống như một trận mưa rào, khi tạnh mưa thì dưới đất vẫn còn khô, bởi vì có màng che theo kiểu như thế", chuyên gia phân tích.

TS Nguyên nói thêm, việc sáp nhập phường sẽ trở thành khó khăn kép, vì bao gồm cả quy mô các tổ dân phố, khu phố như trên. Những khó khăn chắc chắn gây xáo trộn ban đầu cho người dân và chính quyền, song, không phải không có cách xử lý.

Có thể ổn định sau vài tháng, một năm

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án từ tập đoàn bất động sản DKRA, đánh giá việc sáp nhập quy mô phường gần như không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản về giá đất hay các dự án xây dựng tại địa phương, trừ khi thay đổi từ cấp quận, huyện, thành phố (sẽ liên quan đến chỉ số, doanh số về đầu tư công, hệ số đất, quy hoạch…).

Đối với chung cư cũng như nhà mặt đất, khi sáp nhập buộc cư dân từng hộ phải thay đổi các loại giấy tờ, bảng địa chỉ nhà, bảng hiệu hộ kinh doanh...

Sáp nhập 80 phường ở TPHCM: Người dân gặp khó khăn gì? - 2

Các hộ dân, hộ kinh doanh sẽ cần thay đổi địa chỉ trên bảng hiệu sau khi sáp nhập địa phương. Trong ảnh: Số nhà cũ và mới tại đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận khiến người đi đường hoang mang (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo ông Thắng, việc điều chỉnh số nhà, giấy chứng nhận, thông tin giấy tờ cần thời gian để đồng bộ hóa. Quá trình này ban đầu có thể gặp trục trặc sẽ gây ra một số rắc rối trong việc làm thủ tục của người dân. Nhưng quá trình điều chỉnh sẽ không kéo dài, có thể trong vài tháng đến một năm sẽ hoàn thành.

Việc thay đổi sau khi sáp nhập địa phương có thể tốn kém thời gian và tiền bạc của người dân một chút, nhưng nhìn rộng ra và dài hạn 5-10 năm, việc sáp nhập sẽ mang lại nhiều lợi ích, sẽ làm bộ máy chính quyền tinh gọn, ổn định hơn trong công tác quản lý.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, đây là sự sắp xếp mang lại lợi ích cho thành phố, do vậy những khó khăn nói trên phải vượt qua. Còn cách vượt qua như thế nào cần phải đi vào triển khai thực tế mới đánh giá được tính hiệu quả và tính phức tạp.

"Hiện tại chúng ta không thể võ đoán thuận lợi không có hay khó khăn không xử lý được. Chúng ta chưa thể chỉ ra giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn.

Cần xác định được những nguyên nhân gây ra khó khăn có thể xảy ra với người dân và chính quyền mới tìm cách giải quyết từng việc. Tùy tình hình thực tế, tùy vào năng lực cán bộ, cơ sở, nơi làm tốt sẽ nhanh, nơi yếu kém sẽ bị chậm", TS Nguyên nhìn nhận.

"Nhìn vào tiền lệ trước đây thành phố sáp nhập 3 quận, huyện thành TP Thủ Đức có quy mô lớn hơn, cũng mất một khoảng thời gian, nhưng rồi sẽ ổn định dần", ông Võ Hồng Thắng lấy dẫn chứng.

Sáp nhập 80 phường ở TPHCM: Người dân gặp khó khăn gì? - 3