1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Sợ Tết!

(Dân trí) - Sợ Tết. Tâm trạng đó không xa lạ với những người nông dân từ quê lên phố mưu sinh. Họ dậy từ 4 giờ sáng và kết thúc khi thành phố đã lên đèn. Tiền công rẻ mạt hoặc thậm chí có ngày trắng tay. Thế nên họ sợ Tết!

Sợ Tết!  - 1
Hành trang là những chiếc xe đạp và đôi rổ ai thuê gì làm nấy.
 
Đó là chân dung cuộc sống của những người làm nghề cửu vạn ở TP Vinh, Nghệ An những ngày giáp Tết 2012.

Cả nhà đi cửu vạn

Trong giá rét cắt da, cắt thịt, những người làm nghề cửu vạn tại TP Vinh vẫn ngày ngày ngóng trông công việc để cố gắng góp nhặt cho Tết. Thấy chúng tôi tới gần, một nhóm nhân công nữ “đóng đô” trên đường Lê Mao hối hả tới hỏi: Cần mấy người? Làm việc gì?. Biết không phải người tới thuê việc, họ thất vọng tản ra.

Một chị nhân công đã có tuổi đưa chiếc ghế nhựa mời chúng tôi ngồi rồi sự: “Mình đi làm như ri nhưng ai cũng phải mang ghế theo để ngồi đợi việc cho đỡ mỏi. Có hôm họ thuê đi làm cả ngày, muốn nghỉ cũng không được nghỉ, nhưng cũng có hôm ngồi cả ngày chờ việc mà không có. Nghề ni là vậy, khổ lắm!”.
 
Sợ Tết!  - 2
Các cửu vạn đợi việc từ sáng sớm và có ngày đến tối mịt vẫn về tay không

Ngồi bó gối trong giá rét, chị Nguyễn Thị Liên, 52 tuổi ngụ xóm 6 (Hưng Chính, TP Vinh) kéo lại chiếc khăn trùm kín mặt cho đỡ lạnh, chậm rãi góp chuyện: “Nghề này vất vả lắm! Ai thuê bốc vác thì mình bốc vác, ai thuê phu hồ thì mình làm phu hồ. Cũng chính vì vậy nên ngày được công lắm chỉ hơn 100.000 đồng. Ngày vắng người thuê thì về không. Tết đến rồi nhưng chắc năm nay lại đói”.

Theo chị Liên, để có tiền sắm Tết, cả gia đình chị đều tay xách nách mang đi làm nghề này. “Nhà mình nghèo nên chồng và con cũng đi làm nghề cửu vạn. Chỉ mới vừa nãy có người đến thuê đàn ông đi vác đá nên chồng và con trai mình đi rồi. Xong việc ở đó lại về đây chờ việc khác. Cứ thế từ sáng tới khi không có người thuê mới về nhà”.

Cũng như chị Liên, cuộc sống của gia đình chị Lý Thị Thanh ngụ Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An, chưa bao giờ hết khó khăn; ngày ngày hai vợ chồng đều đặn lên đường chờ việc. Chị cho biết: “Ngày nào cũng như ngày nào, 4 giờ sáng là phải dậy để nấu cơm rồi vắt thành đùm để lên thành phố chờ việc. Vì nhà cách TP Vinh 10 km nên mình phải dậy sớm để đi. Đạp xe lên tới nơi là trời vừa sáng, ai gọi thì đi làm luôn”. Chị cho biết thêm, những ngày cận tết, vì muốn có tiền nên lại phải tranh thủ dậy sớm hơn.
 
Sợ Tết!  - 3
Bữa cơm đạm bạc chỉ có mấy cọng rau.

Chị Liên, chị Thanh chỉ là một trong số hàng trăm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang làm nghề cửu vạn, bán sức lao động ở TP Vinh. Tết càng đến gần họ càng thấy lo!

Tết này biết sắm gì?

“Cuộc sống hàng ngày đã khó khăn, giờ tết đến thì lại càng thêm khó. Chẳng lẽ mọi người ăn tết vui vẻ, sum vầy mình lại “đóng cửa”. Nhưng nếu sắm tết cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để sắm. Không lo sao có được!”, chị Hương cho biết. 

Nghĩ về tết, trên khuôn mặt của những nữ cửu vạn lại trĩu buồn. Chị Phan Thị Tuyết ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, cách thành phố Vinh khoảng 15km - là người có thâm niên làm cửu vạn ở thành phố Vinh 5 năm nay - tâm sự: “Cuộc sống khó khăn, giá cả đắt đỏ. Cả hai vợ chồng đi làm từ đầu năm tới giờ nhưng mới chỉ tích góp được hơn 4 triệu đồng. Về nhà định bụng mua cho các con bộ quần áo mới để chúng đi chơi tết. Nhưng mua rồi biết lấy tiền đâu mua bánh, mua thịt. Nghĩ thấy thương cho con, tủi phận cho mình nhưng biết làm sao!”.
Sợ Tết!  - 4
Góp cơm cùng ăn.

Không có tiền sắm tết cũng đồng nghĩa với một mùa xuân không no ấm, một năm mới nhiều âu lo. Chính vì lẽ đó nên dù mưa nắng, giá rét anh Phan Văn Lạc, một cửu vạn đến từ Hưng Nguyên, Nghệ An vẫn quyết đi tìm việc làm. Quàng chiếc ni lông khô cứng cho đỡ lạnh, anh run run nói: “Nếu cho tôi một điều ước, tôi xin ước có việc làm ổn định, có tiền để sắm tết. Hoặc tôi sẽ ước tết đừng đến vào lúc này”.

Lany Nguyễn