1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Kon Tum:

Sông suối, ruộng vườn bị xới tung để tìm vàng

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, mỗi ngày có đến hàng trăm người dân “rồng rắn” kéo nhau đổ ra sông Đăk Pru, đoạn qua 2 thôn Pen Sal Pen và Đăk Đoát, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, để tìm vàng; tàn phá sông suối, ruộng nương không thương tiếc…

Sông suối, ruộng vườn bị xới tung để tìm vàng - 1
Lòng sông và những thửa ruộng gần bờ sông cùng bị xới tung để tìm vàng.
 
Chưa hết tháng Giêng mà trời Đăk Glei nắng như đổ lửa. Giữa cái nắng chói chang ấy, tỉnh lộ 673 từ thôn Pen Sal Pen lên Đăk Đoát như một đại công trường, hàng trăm người đổ ra những cánh đồng lúa nước dọc sông Đăk Pru - không phải để làm nông nghiệp mà để khai thác vàng sa khoáng. Hàng chục máy hút và các máng xổ vàng hoạt động ầm ĩ dọc dòng sông, hút cát, đá và lật tung cả những đám ruộng lúa để tìm vàng. Ngoài máy móc, từng tốp người, trong đó không ít phụ nữ và trẻ em tay cuốc, tay xẻng cũng đang hì hục cày xới.

 

Ngược theo bờ sông Đăk Pru chừng 3 km, chúng tôi bắt gặp khoảng 40 máy nổ đang hoạt động khai thác vàng trái phép và 2 tàu khai thác vàng của Công ty Kim Sơn Thủy. Trong diện tích gần 5 ha đất cấp cho Công ty Kim Sơn Thủy khai thác, các “vàng tặc” vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào khai thác gây nên việc tranh giành lãnh địa, phải nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp.

 

Dòng sông bị băm nát, nước đục ngầu, những hố vàng nham nhở trơ lại những đống đá cuội ngổn ngang giữa lòng sông và dọc 2 bên bờ, làm đổi hướng dòng chảy, xâm thực vào ruộng rẫy dọc tỉnh lộ 673 dẫn lên xã biên giới Đăk Nhoong.

 

Những năm trước, người dân địa phương sau khi khai thác chỉ bán vàng thô, những người thu mua vàng trừ tạp chất nhiều nên giá không cao. Từ khi “vàng tặc” ở nhiều địa phương khác ồ ạt kéo đến dùng thủy ngân lắng vàng, những người dân ở đây cũng bắt chước làm theo nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
 
Sông suối, ruộng vườn bị xới tung để tìm vàng - 2

 

Trong chuyến thị sát đầu tháng 2/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - Phạm Thanh Hà đã chỉ đạo tạm dừng ngay mọi hoạt động khai thác vàng tại xã Đăk Pét, di dời toàn bộ các phương tiện khai thác không đúng quy định ra khỏi địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép. Đến nay UBND tỉnh Kon Tum đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Kim Sơn Thủy; tước quyền sử dụng không thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Kim Sơn Thủy cho đến khi công ty này khắc phục xong các hậu quả gây ra.

Trước nạn khai thác vàng trái phép ngày càng phức tạp trên địa bàn xã Đăk Pét, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều công văn chỉ đạo UBND huyện Đăk Glei và một số cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, nhưng tình trạng trên vẫn không giảm, ngược lại còn lan rộng.

 

Ông A Hồ - Trưởng thôn Pen Sal Pen - cho biết: Người dân thường lấy lý do tỉnh cấp phép cho các doanh nghiệp làm được thì người dân cũng làm được nên họ cứ khai thác công khai.

 

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei - ông Trịnh Xuân Lộc - thừa nhận khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét, thậm chí người dân còn phản ứng manh động, đập phá làm hư hỏng xe ô tô của đoàn kiểm tra liên ngành. Tình trạng khai thác vàng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của huyện.

 

Điều đáng lo ngại là các “vàng tặc” không chỉ đào bới tìm vàng ở những lòng sông, lòng suối mà còn mua cả những khoảnh ruộng màu mỡ của dân nằm dọc theo các sông, suối rồi đưa máy móc vào bới tung tìm vàng. Đến nay, ở 2 thôn Pen Sal Pen và Đăk Đoát đã có không ít diện tích ruộng, vườn đã biến thành những hố sâu hoắm và những đống đá cuội nằm ngổn ngang, không thể canh tác.

 

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình khai thác vàng sa khoáng trước ngày 1/3/2012.

 

Minh Quang