1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Quảng Ngãi:

Thủy điện chồng thủy điện, lũ chồng lũ…

(Dân trí) - Trận lũ lịch sử vào tháng 11/2013 vừa qua chính là minh chứng đau xót cho quá trình phát triển thủy điện ồ ạt, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Bài học xương máu chưa kịp nguôi ngoai, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cho phép xây dựng thủy điện ở huyện nghèo.

Thủy điện nằm trên đầu dân

Nằm giữa đại ngàn, huyện Sơn Hà có 4 con sông Tang, Rin, Xò Lò và Re cùng đổ về dòng chảy trên con sông lớn nhất tỉnh - sông Trà Khúc. Với vị thế có nhiều nhánh sông, các nhà đầu tư thường xuyên “dòm ngó” huyện miền núi Sơn Hà để làm thủy điện.

Cho đến tháng 11/2014, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho đầu tư xây dựng tại huyện Sơn Hà với 4 công trình thủy điện (Nước Trong, Sơn Trà 1, Trà Khúc và Đăkrinh 2).
Thủy điện chồng thủy điện, lũ chồng lũ…

Vị trí các thủy điện (dấu tròn) bủa vây trung tâm thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà), nguy cơ nhấn chìm người dân khi lũ về.

Theo thiết kế dự án, thủy điện kết hợp hồ chứa nước Nước Trong có dung tích hồ chứa nước khoảng 210m3, công suất 12 MW (đang hoàn thiện); thủy điện Sơn Trà 1 có dung tích hồ chứa 5,479 triệu m3, công suất lắp máy 42 MW; thủy điện Trà Khúc với thiết kế hồ chứa nước 11,07 triệu m3 và công suất lắp máy 36 MW; thủy điện Đăkrinh 2 có hồ chứa 9,3 triệu m3 nước và công suất 13 MW.

Với 4 thủy điện trên, “ôm gọn” thị trấn Di Lăng cùng nhân dân Sơn Hà, nguy cơ hơn 71.000 người dân huyện Sơn Hà trở thành tâm “túi nước” khi lũ về.

Không chỉ vậy, nằm phía trên huyện Sơn Hà là huyện miền núi Sơn Tây (độ cao so với mực nước biển khoảng 1.500m) cũng đang hoạt động thủy điện Đăkrinh. Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi lại thống nhất cho đầu tư dự án thủy điện ĐakBa (đặt tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) với công suất 19,5 MW.
Ông Sang Lâm Biên bức xúc khi nói về thủy điện.

Ông Sang Lâm Biên bức xúc khi nói về thủy điện.

Xót xa khi tỉnh cho đầu tư thủy điện, ông Sang Lâm Biên (73 tuổi, ngụ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) - nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà - rầu rĩ nói: “Những ngày cuối đời, tôi chọn nơi đây là chốn nghỉ ngơi bình yên. Sau hơn 13 năm nghỉ hưu, lòng tôi càng nặng trĩu khi hàng loạt dự án thủy điện cho đầu tư ở huyện nghèo này. Khi 4 thủy điện hình thành, nhân dân Sơn Hà nằm hướng nào cũng đụng đầu thủy điện cả. Rồi khi lũ về, chúng tôi biết chạy đi đâu đây…”.

Riêng thị trấn Di Lăng có hơn 25.000 người dân, nếu liên kết nhánh với các vị trí đặt thủy điện, huyện Sơn Hà như mô hình “màng nhện” thủy điện nằm trên đầu dân nghèo.

Nước mắt chan cùng lũ

 
Trong trận lũ lịch sử vào cuối năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 người thiệt mạng, sập và cuốn trôi 130 nhà, hư hỏng 495 phòng học, thiệt hại hơn 4.000 ha lúa và rau màu. Nhiều công trình thủy lợi, đê kè, hồ chứa nước, đập dâng, đường giao thông, thông tin liên lạc hư hại, ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Sang Lâm Biên bức xúc khi nói về thủy điện.

Trận lũ lịch sử cuối năm 2013 đã bóp nát nhà công vụ của giáo viên một trường học ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà.

Riêng huyện Sơn Hà cho biết, hơn 3.000 hộ dân bị cô lập (xã Sơn Cao, Sơn Linh và Sơn Nham), 165 nhà bị sập và trôi hoàn toàn, 300 nhà bị sạt vách, 1.000 nhà có nguy cơ đổ. Trận lũ gây ra 63 điểm sạt lở trên các tuyến đường, cuốn trôi 1 cầu treo. Về nông nghiệp, ảnh hưởng 1.300 ha đất lúa bị sa bồi, thủy phá, 45 ha mía, 20 ha mì, 15 ha keo bị đổ, trôi, 10 tấn lúa giống bị ước và hư hỏng; hơn 1.800 con gia súc, gia cầm bị trôi. Bên cạnh đó, nước lũ làm hư hỏng 16 công trình nước sạch trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước khoảng 81 tỷ đồng.

“Cuối năm 2013 vừa qua, khi xảy ra lũ thì ở huyện Sơn Hà và Sơn Tây chưa vận hành thủy điện nào mà thiệt hại đã vậy. Khi 6 thủy điện (Sơn Hà 4 thủy điện, Sơn Tây 2 thủy điện) cùng xả lũ, tôi e rằng không chỉ huyện Sơn Hà mà khu vực đồng bằng cũng chìm trong biển nước. Lũ càng càng quét dữ dội hơn khi rừng phòng hộ mất dần theo những dự án thủy điện không thuận lòng dân…”, ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư Huyện ủy Sơn Hà chua xót nói.
Mặc dù là huyện miền núi nhưng Sơn Hà nhưng lại bị chìm trong trận lũ cuối năm 2013.

Mặc dù là huyện miền núi nhưng Sơn Hà nhưng lại bị chìm trong trận lũ cuối năm 2013.

Xây dựng thủy điện ồ ạt không tính toán kỹ được mất sẽ dẫn đến rừng phòng hộ bị triệt hạ, cuộc sống người dân bị đảo lộn, nguồn nước canh tác bấp bênh khi mùa nắng hạn, tính mạng nhân dân bị đe dọa lúc lũ về,…

“Khi xảy ra biến động ảnh hưởng đến đời sống người dân, địa phương phải “đứng mũi chịu sào”. Lúc đó, tìm gặp doanh nghiệp rất khó”, Bí thư Đặng Ngọc Dũng bày tỏ hệ lụy về sau.

Hồng Long