1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

“Tranh cử sẽ giúp cải thiện đội ngũ lãnh đạo”

(Dân trí) - TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về vấn đề người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Ông cũng phân tích nhiều “cái được” xung quanh việc trao thêm quyền này cho người dân.

Bộ Nội vụ mới đây đã trình Chính phủ đề án thực hiện việc thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Ông có ý kiến gì với việc trao quyền cho người dân trực tiếp quyết định người lãnh đạo của mình ở địa phương?

Về mặt lý thuyết mà nói, việc người dân trực tiếp bầu lãnh đạo ở địa phương mình rất có ý nghĩa. Thứ nhất, việc này xác lập được chế độ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trước dân, bởi lẽ anh được làm chủ tịch xã hay không phụ thuộc vào dân ở đó. Thứ hai, nếu chế độ trách nhiệm như vậy được xác lập thì động lực để phục vụ dân cũng được xác lập. Không phải là anh “trị” dân nữa, anh phục vụ dân rất rõ, vì nếu không như vậy lần sau sẽ không được bỏ phiếu.

Việc người dân trực tiếp bầu như vậy có thể nói rất có ý nghĩa, rất sâu sắc trong việc xây dựng mô hình nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do dân bầu lên nên sẽ vì dân, còn nếu không do dân thì rất khó vì dân.

Về mặt pháp lý, nếu để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã, liệu có phù hợp?

Vừa phù hợp, vừa không. Một mặt, Hiến pháp nói toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã chỉ là việc thực hiện quyền lực của mình mà thôi. Mặt khác, Hiến pháp lại quy định là nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã… Ở các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đều có HĐND và chủ tịch UBND do HĐND bầu. Như vậy, nếu sắp tới có một ông chủ tịch UBND không do HĐND bầu thì có vẻ như việc đó không thật phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Vậy phải giải quyết vấn đề này trong hiến pháp như thế nào? Cách thứ nhất là đề nghị Quốc hội cho thí điểm bằng một nghị quyết mà nghị quyết đó được thông qua theo thủ tục của Hiến pháp. Cách này có phần khiên cưỡng trong việc giải thích và áp dụng hiến pháp ở nước mình. Chính vì thế cách thứ hai, cách tốt nhất vẫn phải là sửa Hiến pháp.

Lâu nay, vấn đề chất lượng đội ngũ lãnh đạo cấp xã đã được đề cập khá nhiều. Vậy với việc người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, chất lượng đội ngũ lãnh đạo cấp này sẽ được cải thiện hơn?

Trong bầu cử cái quan trọng không phải là động tác bầu mà quan trọng là động tác tranh cử. Những người giỏi nhất của xã phải tranh cử với nhau thì mới chọn được người giỏi. Còn lẳng lặng đưa một ông chẳng tranh luận gì, chẳng hứa hẹn gì ra bầu thì không thể nào chất lượng lên được.

Tại thời điểm diễn ra việc bầu lãnh đạo mới, vấn đề của xã là vấn đề gì, những vấn đề đó sẽ được xử lý như thế nào. Anh có nhận thức đúng vấn đề của xã không, có đề ra được giải pháp đúng để giải quyết vấn đề cũng như có năng lực để huy động toàn bộ nguồn lực của xã, sự ủng hộ của dân trong xã để giải quyết vấn đề không? Những cái đó chỉ nổi lên, chỉ thể hiện rõ được qua tranh cử. Tranh cử là phần quan trọng hơn của bầu cử và thực chất, bỏ phiếu chỉ là động tác gút lại kết quả của tranh cử.

Như vậy, những người giỏi nhất của xã phải tranh cử được với nhau và phải nêu ra được cương lĩnh để thúc đẩy xã đi lên. Chính điều này sẽ giúp cải thiện đội ngũ lãnh đạo xã, chứ không phải anh cứ bầu là đương nhiên có được người lãnh đạo có chất lượng.

Mối quan hệ nội tại trong một xã thường có rất nhiều yếu tố phức tạp. Khi tổ chức bầu cử, nhiều người lo ngại tình huống, những ứng viên thuộc về các dòng họ lớn sẽ dễ trở thành người đứng đầu xã?

Đó là một vấn đề, nhưng là vấn đề nhỏ, bởi vì theo tôi, ít có dòng họ nào chiếm được đa số trong xã cả. Ví như một xã lớn có 20 ngàn người và một dòng họ lớn cùng lắm có được 5 ngàn người. Anh muốn làm xã trưởng, Chủ tịch xã anh phải vừa lòng được 20 ngàn người thành thử trong cương lĩnh, trong tranh cử phải nhớ rằng, thiếu 15 ngàn kia anh không thể nào trúng cử được. Mặc dù các dòng họ khác người ta chỉ có một ngàn người, nhưng tổng các dòng họ khác bao giờ cũng lớn hơn dòng họ của anh.

Cũng phải nói thêm, dòng họ có thể ảnh hưởng lên hành vi bầu cử, nhưng lợi ích lâu dài vẫn ảnh hưởng lớn hơn. Tôi lấy thí dụ như việc bầu cử ở Mỹ, chủng tộc có thể ảnh hưởng thế nào đó đến sự lựa chọn trong bầu cử, nhưng nếu một ứng cử viên người da đen chứng tỏ rằng có thể mang lại lợi ích to lớn hơn cho nước Mỹ, thì ông ta vẫn có thể được người da trắng bầu. Chúng ta hãy thử tìm hiểu trường hợp của ông Obama ở Mỹ mà xem.

Thực tế, trong việc bầu trưởng thôn vừa qua, đã có nơi, ứng viên bỏ tiền để “mua” người ủng hộ. Sẽ có những lo ngại về việc mua phiếu có thể tái diễn ở cuộc bầu chủ tịch UBND xã?

Chuyện mua phiếu xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Để cho cuộc bầu cử đúng đắn thì tất yếu phải có được hệ thống pháp luật hiệu năng có thể chống lại hiện tượng mua phiếu. Rõ ràng, trong trường hợp như vậy thì cơ quan giám sát bầu cử là hết sức quan trọng và giám sát tốt nhất là các ứng cử viên giám sát lẫn nhau. Rồi đưa báo chí vào giám sát… Nếu có ứng viên mua phiếu thì đương nhiên cần phải bị loại ngay khỏi danh sách.

Thêm nữa, muốn bầu cử thì phải có cử tri mà cử tri không phải là những người sẵn sàng bán quyền của mình, bán vận mệnh của mình bằng mấy đồng. Một chương trình giáo dục cử tri trong bầu cử là rất quan trọng, bởi không phải đương nhiên có được hành vi bầu cử chuẩn. Các nước muốn một nền dân chủ bền vững thì không thể thiếu chương trình giáo dục cử tri.

Có thể đặt ra tình huống, những người được bầu lên, nhưng chưa hết nhiệm kỳ mà người dân không tín nhiệm nữa thì sẽ như thế nào?

Đã thiết kế người dân trực tiếp bầu thì cũng cần phải thiết kế mô hình giám sát. Thực chất nếu để người dân trực tiếp bãi miễn sẽ rất khó vì nhiều khi lợi ích của toàn xã với lợi ích của các nhóm dân cư không trùng nhau. Trong trường hợp này thì động lực để vì lợi ích toàn xã rất quan trọng và với cương vị là người đứng đầu nếu anh thiên vị làng nào đó, các làng khác sẽ loại anh ngay.

Động lực vì lợi ích chung vẫn lớn hơn, nhưng cái can thiệp trực tiếp của người dân sẽ làm người điều hành không điều hành nổi. Vì thế, thường thì người ta hình thành một thiết chế giám sát khác là hội đồng. Hội đồng xuất phát từ lợi ích của xã có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm anh. Hội đồng không nhiều, nên khoảng 9-11 người. Hội đồng cần phải giám sát vì đã được trao quyền, thì chỉ trong một nhiệm kỳ, ông chủ tịch cũng có thể “hành” xã đủ chết. Tất nhiên, vị này còn bị ràng buộc bởi luật nữa, chứ không phải lên rồi muốn làm gì thì làm.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)