1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trọn lời hứa với người đã khuất

(Dân trí) - Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, biết bao chiến sĩ đã xả thân vì tổ quốc, để lại một phần thân thể hoặc nằm lại chiến trường. Bên cạnh những hy sinh lớn lao ấy, có những hy sinh âm thầm mà nhẫn nại, của những người mẹ, người vợ lính.

Lớn lên ở xã miền núi nghèo Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu, Nghệ An), 18 tuổi, chị Nhữ Thị Năm đẹp rực rỡ như bông hoa đồng nội. Cũng như bao trai gái trong làng, chị sớm phải lao động cật lực, lăn lộn cùng ruộng nương, lên rừng hái củi mang xuống thị trấn Cầu Giát bán, đổi lấy gạo ăn.

 

Vất vả không làm mất đi nét đẹp tạo hoá ban cho chị. Biết bao trai làng đánh tiếng, nhưng trái tim Năm đã dành cho chàng trai nghèo Lê Văn Toàn cùng xóm. Bố Toàn là cán bộ xã, đột ngột qua đời năm 1968 do tai biến não lúc đang cùng bà con chống hạn. Khi ấy Toàn vừa 8 tuổi. 29 tuổi, mẹ Toàn chịu cảnh goá bụa ở vậy nuôi 3 con, trong đó có cô út mới 1 tuổi bị dị tật bẩm sinh. Là con trưởng, Toàn sớm phải gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình, dìu dắt dạy bảo các em.

 

Biết bao lần Năm trào nước mắt khi thấy Toàn một mình đánh vật với chiếc xe trâu hái củi, cày cuốc, lăn lộn từ mờ sáng đến tối mịt. Từ thương cảm, Năm đã thầm yêu trộm nhớ lúc nào không hay. Rồi Toàn nhận được giấy nhập ngũ. Đôi trai gái tổ chức lễ cưới trước ngày Toàn lên đường.

 

Tháng 2/1982, anh Toàn sang nước bạn Lào chiến đấu. Tháng 5/1982, anh hy sinh. Tháng 7/1982, chị Năm sinh cháu Lê Văn Hoàn. Nhận tin dữ khi vừa sinh con được 20 ngày, nỗi đau quá lớn khiến người con gái 21 tuổi suy sụp hẳn.

 

Trong mê man vô thức, chị nghe văng vẳng lời anh dặn: “Hãy thay anh chăm mẹ nuôi em, dạy dỗ con thành người có ích cho xã hội”. Chị bừng tỉnh, ôm lấy mẹ chồng khóc nức nở. Thắp hương trước vong linh anh, chị hứa sẽ làm trọn lời anh dặn.

 

Những năm đầu của thập niên 80, nạn đói hoàn hành dữ dội trong cả nước. Ở xã miền núi này, càng khó khăn gấp bội. Không thể kể hết nỗi gian truân mà người mẹ trẻ ấy đã phải trải qua. Chị đã làm mọi việc, từ lái xe trâu lên rừng đốn củi, cày bừa, phát rẫy,… đến chẻ lạt lợp nhà… Cậu em trai chồng trưởng thành, chị cưới vợ cho em, còn mình thì ra vùng đất giáp chân núi làm trang trại với một heta đất cằn. Chị ra sức tăng gia sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, lăn lộn bất kể ngày đêm.

 

Thương mẹ chồng, thương em chồng tật nguyền bao năm qua vẫn chỉ cao 1m và không rõ giới tình, thương đứa con thơ dại, chị kiên quyết từ chối mọi lời dạm hỏi của những người đàn ông khác. Chẳng phải chị đã nguội lạnh mọi cảm xúc, trong con người chị vẫn tràn trề nhựa sống, nhưng nghĩ tới lời hứa với người đã khuất, chị lại dẹp những ham muốn cá nhân sang một bên.

 

Dù bộn bề khó khăn, chị vẫn quyết nuôi con ăn học thành người. Lắm lúc thương mẹ, người con đòi nghỉ học giúp mẹ kiếm sống nhưng chị Năm kiên quyết phản đối. Không phụ công mẹ, suốt 12 năm học, Hoàn luôn đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm 2001, Hoàn đậu 2 trường đại học Bách Khoa và Y. Ngẫm gia cảnh, Hoàn quyết định theo học ngành y để sau này trị bệnh cứu người.

 

Con vào đại học, chị Năm vừa mừng vừa lo. Trước gồng mình một, giờ chị phải cố gấp đôi, gấp ba. Con đi học xa, mẹ chồng già yếu, em chồng ngày càng phát sinh lắm bệnh. Tháng 6/2007, niềm vui mới lại đến với chị Năm, con trai chị đậu tốt nghiệp đại học loại ưu.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình chị, một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nhưng tràn ngập tình thương. Chị Năm bỏ dở buổi cày tất tả chạy về đón khách. 1 heta đất cằn năm xưa nay có nước từ đập tưới Vực Máu đổ về, trở nên màu mỡ, nên chị đã vui vẻ chia cho bà con 5 sào cùng canh tác.

 

Cô em chồng 40 tuổi trông giống cậu bé lên 10 đang chơi trò ú tim một mình. Cụ Vũ Thị Hòa năm nay trên 70 tuổi, kể chúng tôi nghe chuyện đời cô con dâu hiếu thảo: “Nhà tôi có đứa con dâu như mẹ thằng Hoàn thật là vạn phúc. Hắn là cái cột trụ của gia đình ni, chỉ thương hắn vò võ mấy chục năm con gái…”.

 

Ngày 8/3, Hoàn ôm bó hoa tươi từ Quỳnh Lưu, nơi em công tác, về nhà tặng mẹ. Chị Năm trào nước mắt. 44 tuổi đời, chặng đường gian truân của chị vẫn chưa kết thúc, nhưng chị đã được hái những quả ngọt đầu tiên. Và chị vui vì lời hứa bên vong hồn anh, chị đã giữ trọn.

 

Nguyễn Lộc