1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Trước ngày khai mạc Đại hội Đảng X:

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết!

(Dân trí) - Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội đại biểu Đảng Toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra tại Hà Nội. Một trong những điều được bạn đọc hết sức quan tâm, đó là trọng dụng nhân tài. Đây không phải là vấn đề mới nhưng luôn nóng bỏng và cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Dân trí xin trích đăng một số ý kiến của các nhà văn hoá, nhà khoa học, giảng viên đại học và sinh viên trẻ.

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết! - 1
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Quyền tự do tỉ lệ thuận với nhân tài

Là một trí thức làm việc trong Văn phòng Quốc hội, theo ông giới trí thức đang mong đợi gì ở Đại hội Đảng sắp tới?

Trí thức cũng như mọi người dân thôi, chúng ta mong đợi ở Đại hội Đảng X một sự đột phá về tư duy trong việc hoạch định đường lối phát triển cho đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Thực chất, lãnh đạo một dân tộc là dẫn dắt dân tộc đó tới tương lai. Dẫn dắt tới tương lai hội nhập thì cũng như dẫn dắt từ sông ra biển. Sông và biển có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng rất nhiều điểm khác nhau.

Điều khác nhau dễ nhận thấy nhất là: những cơ hội và những rủi ro của biển bao giờ cũng ngàn vạn lần lớn hơn cửa sông. Làm sao để tận dụng được cơ hội và giảm thiểu được rủi ro của quá trình hội nhập vào một thế giới toàn cầu hoá là vấn đề cơ bản nhất mà Đại hội cần tìm được câu trả lời.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhân tài trong xu thế hội nhập?

Sử dụng nhân tài là yêu cầu hệ trọng của cả hệ thống. Vì cuối cùng các vấn đề của hội nhập, của quản trị quốc gia... đều là những vấn đề của tri thức, của hiểu biết. Chính vì vậy, đòi hỏi về người tài hết sức cấp bách hiện nay.

Chiến lược sử dụng người tài là tạo ra môi trường làm phát sinh cung cầu về người tài. Đó là việc xây dựng một mô hình phát triển dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Môi trường này có thể bao gồm:

Một là, bảo đảm tự do. Thiên tài là sự hiện thực hoá của tự do, không có tự do thì không có thiên tài. Nếu đất nước chúng ta bảo đảm được quyền tự do cho nhân dân nhiều hơn thì người tài cũng xuất hiện nhiều hơn và ngược lại.

Thứ hai là phải có cạnh tranh và phải xác lập một luật chơi lành mạnh cho cạnh tranh. Trong kinh tế là cạnh tranh để cung cấp hàng hoá, dịch vụ với giá cả rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Trong chính trị là cạnh tranh để được lòng dân hơn (để phục vụ nhân dân tốt hơn, bảo đảm được các quyền cho người dân nhiều hơn).

Theo nhận định của ông, sẽ có những thay đổi lớn nào sau Đại hội Đảng này?

Một trong những những thay đổi dễ cảm nhận là Đảng sẽ cho phép các đảng viên làm kinh tế, điều này sẽ làm cho đường lối của Đảng phù hợp hơn cuộc sống. Một thay đổi nữa là dân chủ hoá sẽ rộng rãi hơn, vấn đề này đã được khơi nguồn trước đại hội bằng những tranh luận rất công khai, dân chủ và thiện chí.  

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết! - 2
Nhà văn hoá, nhà báo Hoàng Tùng: Rất nhiều nhân tài. Nhưng...

Tôi nghĩ rằng đường lối chung của Đại hội X như đã đưa ra trên báo, phần lớn nhân dân cũng đồng tình thôi. Nhưng điều quyết định là ai làm hay nói cách khác vẫn phải nhấn mạnh vấn đề con người bởi đường lối cũng do con người làm ra mà thực hiện cũng là con người.

Nếu con người trong sáng có ý chí cách mạng thì có thể khắc phục được những thiếu sót về chính sách đường lối nhưng nếu con người không đủ trình độ hoặc trái tim không được tốt thì sẽ phá hỏng mọi thứ.

Phải nói rằng chưa bao giờ chúng ta có nhiều nhân tài như bây giờ, nhưng xếp đặt nhân tài đúng với cái công tâm vì lợi ích của đất nước lên trước hết lại là việc không dễ cho những người lãnh đạo.

Vừa rồi, đài phát thanh có phỏng vấn Chủ tịch ĐCS LB Nga về ĐH X ĐCSVN, ông nói: “Vấn đề quan trọng, quyết định thành công hay không thành công của ĐCS bây giờ là phải nắm được khoa học công nghệ”. Lịch sử đang tiến lên rất nhanh, nếu chậm 5 năm - 10 năm nữa thì ta đuổi khó mà kịp được. Nếu còn tiếp tục có những tai hoạ như PMU18 thì chúng ta không thể kịp gót các nước xung quanh.

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết! - 3
TS Quách Tuấn Ngọc - Bộ GD& ĐT: Bổ nhiệm người bất tài - Ai chịu trách nhiệm?

Theo tôi, đổi mới cách làm nhân sự, tổ chức là quan trọng nhất. Qua những vụ việc xung quanh PMU 18 vừa rồi mới thấy, nhân sự là khâu cực khó”.

Phải làm thế nào để những người được lựa chọn, đầu tiên phải có cái tâm rồi quan trọng nữa là phải có tầm  và có trí tuệ. Tôi cứ nói vắn tắt là mô hình 3T, chứ không phải chỉ là theo kiểu cơ cấu này nọ hay theo đạo đức chung chung.

Những vụ việc tiêu cực gần đây mới trật khấc ra những lãnh đạo ở đó, tâm thì không có, tầm và trí tuệ cũng không nốt. Thực ra chuyện chạy chức, chạy quyền lâu nay là có, rồi bao che là có... Trọng dụng nhân tài thì ai cũng nói và về nguyên lí thì rất đúng, nhưng như thế nào là nhân tài thì vẫn còn phức tạp lắm.

Các vụ việc vừa rồi cũng cho thấy cần phải xem lại cách tổ chức. Cách tổ chức của ta nhiều khi chồng chéo rồi chẳng qui trách nhiệm cho ai cả.

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết! - 4
 Anh Phạm Trường Sinh - Giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất: “Cần một bản lĩnh để sử dụng người tài”

Nhân tài đến... rồi đi. Đó là một thực tế đáng buồn như một thách thức đang đặt ra đối với nước ta khi chuẩn bị bước vào thời kỳ hội nhập.

Đất nước ta không thiếu người tài, nhưng theo cảm nhận của nhiều người thì dường như chúng ta lại đang thiếu bản lĩnh để sử dụng họ. Nghĩa là, những chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước vẫn đang nằm trên giấy mà chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Hiện nay ở rất nhiều địa phương đã xây dựng được những chính sách như trải thảm đỏ thu hút, tôn vinh nhân tài nhưng đáng tiếc là cách thực hiện vẫn chưa vượt ngưỡng của cơ chế xin - cho. Chúng ta hy vọng, sau Đại hội X của Đảng, Nhà nước sẽ có một chiến lược về tài năng thật rõ ràng để thu hút nhân tài.

Trọng dụng nhân tài - Một yêu cầu khẩn thiết! - 5
 Bạn Vũ Quý Hậu - Sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội: “Hãy ném chiếc đồng hồ cát đi!”

Ngày ngày, chúng em lên giảng đường vào lúc 7h kém 15, rồi lại rời giảng đường vào lúc 12 kém 15. Thầy ra, cô vào rồi lại thầy vào cô ra... Hôm nào cũng thế. Thời gian trôi trên giảng đường như từng giọt cát trong chiếc đồng hồ cát thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Thầy cô chẳng nhớ nổi gương mặt của sinh viên, vì giảng bài như là chạy sô, như là nghĩa vụ!

Thế còn nói gì đến việc phát hiện tài năng. Mà theo thiển ý của em, nhân tài không thế tự “toả sáng”, cần lắm có người “châm ngòi” cho họ. Nhưng trong điều kiện giảng dạy triền miên cảnh thờ ơ của người thầy, cảnh đơn điệu của những giờ học... Biết đến ngày nào nhân tài mới có thể “phát” đây!

Phát hiện nhân tài dường như đã là một con đường chưa có lối ra. Việc sử dụng nhân tài chắc hẳn cũng chẳng thể lạc quan hơn! Đại hội X sắp diễn ra. Em mong muốn sẽ có sự thay đổi không khí trên giảng đường. Hãy ném chiếc đồng hồ cát trên giảng đường đi - Một điều ước giản dị thôi nhưng theo em đó cũng chính là khởi nguồn cho công việc đãi ngộ nhân tài.

Nhóm PV