1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X:

Trọng dụng nhân tài thế nào?

(Dân trí) - Nước ta hiện nay có 3 lãng phí lớn: Một là lãng phí đất đai, mà <a href=" http://www.dantri.com.vn/Sukien/diendandantri/2006/3/105065.vip"> nguyên nhân liên quan đến vấn đề sở hữu</a>. Hai là lãng phí tiền đầu tư, liên quan đến trình độ quản lý. Ba là lãng phí nhân tài, liên quan đến cơ chế sử dụng cán bộ. Cả 3 lãng phí này đều vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tệ tham nhũng trầm trọng hiện nay.

Gần đây thấy báo chí nói một số địa phương mời chào trí thức về, trả lương cao, cấp nhà. Hà Nội cũng mới làm lễ vinh danh cho 100 học sinh đỗ thủ khoa điểm cao. Nhưng sau đó không thấy có thông tin gì nữa. Tất cả lại chìm vào sự “im lặng đáng sợ”. “Nhân tài là nguyên khí của đất nước”, ông cha ta đã nói như vậy, lời nói đó được ghi ở Văn Miếu nhiều trăm năm nay, và sẽ còn tồn tại ở Văn Miếu đến muôn đời sau, để cho thấy ông cha ta rất trọng dụng nhân tài.

Thời xưa có 2 cách bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cực kỳ khoa học.

Một là tiến cử. Ông Phạm Ngũ Lão (1255-1320) chỉ là một người đan sọt ở làng Phù Ủng, Hải Dương. Nhưng khi Trần Hưng Đạo nhận ra là người có tài, liền trọng dụng.

Ông Phạm Ngũ Lão dần được phong tới chức Điện súy thượng tướng quân, lập được nhiều công lao trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thời nhà Trần.

Ông Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở Thanh Hóa, chỉ là một người chăn trâu lang thang vào xứ Đàng trong. Sau được Khán lí Trần Đức Hòa tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được trọng dụng, làm lên chức Nội tán, giống như chức cố vấn an ninh quốc gia bây giờ.

Ông Đào Duy Từ là người có công làm cho nhà Nguyễn tồn tại vững vàng trong hơn 200 năm, góp phần mở mang bờ cõi Việt Nam xuống phía Nam như ngày nay.

Hai là thi cử. Khóa thi đầu tiên của nước ta để chọn nhân tài là năm 1075, thời Lý Nhân Tông. Người đỗ đầu trạng nguyên là ông Lê Văn Thịnh, quê Bắc Ninh, được phong tới chức Thái sư (như Thủ tướng bây giờ).

Ông là người có công đi sứ nhà Tống để đàm phán, đổi được vùng đất Cao Bằng ngày nay về cho nước ta. Các bậc công thần tri thức như Lê Văn Hưu, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Phùng Khắc Khoan, Phan Phù Tiên... đều là những nhân tài được chọn qua thi cử, và được bổ nhiệm làm quan ngay, bất kể thành phần xuất thân từ đâu, giàu sang, nghèo hèn, dân thường hay con nhà quan.

Nhờ cách sử dụng nhân tài như vậy, nước ta mới bảo vệ được tổ quốc, tồn tại và phát triển được nền văn hiến đến như ngày nay.

Ta ngày nay tìm nhân tài không giống ai, không giống cả ông cha ta ngày xưa. Vậy làm sao nhân tài được trọng dụng? Không thể có cách lựa chọn cực kỳ “giáo điều” là trước tiên phải là đảng viên, rồi vào cấp ủy, rồi học trường đảng Nguyễn Ái Quốc...còn chỗ để thể hiện tài năng, lương tâm, đạo đức, bản lĩnh... thì không thấy. Vậy sẽ có bao nhiêu nhân tài bị bỏ phí?.

Phần cuối của dự thảo BCCT, phần 15, tiêu đề “Đổi mới và chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng”, thấy chủ yếu nói đến nâng cao bản lĩnh chính trị của đảng. Còn về nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, lương tâm, trình độ văn hóa của cán bộ lãnh đạo, đảng viên như thế nào thì chưa thấy nêu giải pháp cụ thể.

Minh Tuấn (CTV từ Tokyo)