1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Về địa đạo Củ Chi ngày non sông thống nhất

(Dân trí) - Củ Chi, đất thép thành đồng, 38 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những cánh đồng chằng chịt hố bom, giờ phủ mướt xanh màu cỏ voi, vàng óng đàn bò. Những con đường đất đỏ cũng được thay bằng đường nhựa láng bóng.

Những ngày này, hướng về khu địa đạo Củ Chi (TPHCM), hai bên rợp bóng cờ đỏ sao vàng, thơm mùi nhang từ mọi ngôi nhà. Người dân Củ Chi đang cúng giỗ những người cha, anh, người con của mình đã nằm xuống vì công cuộc thống nhất đất nước.

Trong cái nắng dịu mát sớm mùa hè, đi qua ấp Gót Chàng anh hùng, thăm nghĩa trang liệt sĩ ấp rồi tiến về địa đạo Củ Chi. Bên đường, thỉnh thoảng thấy những bác thương binh chống nạng ra nâng niu lá cờ, chỉnh trang lại ngay ngắn. Chẳng phải dừng lại hỏi đường, chúng tôi băng qua Bến Súc, Bến Dược, Bến Đình... theo những bảng chỉ dẫn vào địa đạo trong sự háo hức của anh bạn đồng hành.

Vang khúc tráng ca

Bước vào địa đạo, hình ảnh của “đất thép” thời kháng chiến được tái hiện sống động qua hình tượng anh lính giải phóng quân đội mũ tai bèo, cô du kích nữ mặc áo bà ba, quàng khăn rằn và đi dép cao su đứng dưới các lán trại, tán cây...

Tiếp tục đi theo đoàn du khách vào khu lán chiến đấu, hàng trăm người say sưa theo dõi những thước phim tư liệu với những thanh âm trầm hùng: “Củ Chi, đất của những người du kích, họ là ai? Đó là Trần Thị Gừng, người con gái bé bỏng mất cha, với mối thù nhà nợ nước, chỉ bằng súng trường, lựu đạn, một ngày đánh lui hơn hàng chục đợt xung phong của đám lính nhà nghề thiện chiến. Đó là Phạm Văn Tội, người xã Đội trưởng trí dũng song toàn, giàu lòng thương yêu đồng đội, coi thường bom đạn Mỹ khi ôm địa lôi đón đầu quân giặc…”.
Du khách thăm khu di tích địa đạo Củ Chi
Du khách thăm khu di tích địa đạo Củ Chi

Những thước phim sống động, nhạc lồng trầm hùng như cho chúng tôi, những người sinh ra, lớn lên trong hòa bình nhìn thấy từng thời khắc đấu tranh của cha anh - người đã hiến dâng tất cả những năm tháng tráng kiện, minh tuệ nhất của đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ghé vào một căn hầm với chiếc giường được đóng bằng tre thô sơ, tấm vải dù để che và những dụng cụ phẫu thuật thật đơn giản. Đây là hầm cấp cứu. Mới thấy, những thương binh năm xưa thiếu thốn và đau đớn đến chừng nào sau mỗi làn bom đạn quân thù. Tiếp đó là hàng trăm hầm chông trên đường thăm quan nơi làm việc, xưởng công binh được tái hiện sinh động, chân thực trong lòng đất.

Bước ra khỏi địa đạo, với vẻ mặt ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một du khách nước ngoài thốt lên: “Làm sao có thể được?. Các bạn xứng đáng là những người chiến thắng”. Câu nói ấy khiến hàng chục du khách Việt xung quanh mỉm cười đầy tự hào.

Đến đền Bến Dược, ngôi đền được xây dựng nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đền tưởng niệm lớn nhất Việt Nam. Trên thân cột cổng Tam Quan là những câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang: "Trải tấm lòng son vì đất nước/ Đem dòng  máu đỏ giữ quê hương/ Lòng biết công ơn nhang thơm một nén/ Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm"

Hội trùng dương nơi đất thép

“Đất thép” hôm nay đã khác, là di tích lịch sử cho du khách tham quan, đồng thời cũng là nơi vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Củ Chi hôm nay, khách tham chỉ cần một chiếc xe đạp là có thể đi từ khu “tái hiện vùng giải phóng” đến “đền liệt sĩ Bến Dược”.

Từ đó, du khách ngược lên “khu vui chơi cắm trại” để thả mình trong những cảnh quang thơ mộng nơi hồ bơi nước ngọt. Từ đây, du khách nhìn về vùng dải đất thân thương hình chữ S, với những “chùa Một Cột”, “Ngọ Môn Huế”, “hầm Hải Vân”. Đi qua “cầu Sài Gòn”, du khách sẽ gặp “bến Nhà Rồng”. Tiếp tục xuôi “cầu Mỹ Thuận”, “cầu Cần Thơ” hoành tráng bắc qua hai nhánh sông Tiền, sông Hậu...
Mô phỏng sinh hoạt chính trị của cán bộ chiến sĩ ở địa đạo Củ Chi
Mô phỏng sinh hoạt chính trị của cán bộ chiến sĩ ở địa đạo Củ Chi

Từ “đất liền”, khi hướng mắt về xa, du khách sẽ thấy “khu mô phỏng biển Đông” với những hải đảo quê hương “Bạch Long Vĩ”, “Côn Đảo”, “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “Phú Quốc”... Tất cả các địa danh được bố trí hài hòa, tạo nên một vẻ đẹp say đắm lòng người.

Còn nhớ, năm 2007, một bác thương binh ở Gót Chàng chia sẻ: “Người Củ Chi chỉ gan góc, anh hùng thôi, làm công an, bộ đội thì được, chứ khó làm kinh tế lắm!”. Ấy vậy mà ngày nay, trong từng thôn, ấp, làng, xã, những nhà vườn trồng rau sạch, những làng nghề bánh tráng, trang trại nuôi bò, trồng rau... cứ liên tiếp mọc lên, sạch sẽ, khoa học, làm nên bước chuyển mình của đất thép gan góc, kiên cường.
Du khách nước ngoài thích thú khi bò trong lòng địa đạo
Du khách nước ngoài thích thú khi "bò" trong lòng địa đạo

Chiều xuống, rời địa đạo về lại thành phố. Chợt đâu đó một tiếng hát dân ca trữ tình như níu chân du khách vang vọng lại: “Có ai, có ai đi về miền Nam. Nhớ ghé Củ Chi quê em”.

Chắc hẳn, trong lòng mỗi du khách, những bạn trẻ không sao quên được đoạn văn trên bia đặt trước đền Bến Dược như là lời đúc kết trang sử vẻ vang, lời nhắc nhở cho hậu thế: “...Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn... chim bay về núi tối rồi...”.
Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược
Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược

Chùa Một Cột mô phỏng tại địa đạo Củ Chi.
Chùa Một Cột mô phỏng tại địa đạo Củ Chi.

Công Quang - Huỳnh Hoàng

Ảnh: K.Giang