1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói như vậy tại lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống ngày thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vừa diễn ra hôm nay.

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Dẫn câu ngạn ngữ: "Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng nước vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản…

Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ", 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa.

Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng Kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia "mạnh về biển, giàu từ biển", nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng, và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, toàn thể người dân.

Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập - 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Hồng Thắm).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận phía trước chúng ta là "hải trình" hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản "minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập", vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Phía trước chúng ta là 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển; cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường...

Ông Hoan chúc ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh, bền vững.

"Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững", Bộ trưởng Hoan nói.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà.

Tại đây, Bác đã căn dặn: "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ". 

Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Luân khẳng định.

Sau hơn 30 năm phát triển toàn diện, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.

Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp hơn 7 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995.

Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. 

Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)...