1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vì sao nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cấm sử dụng xe tay?

Vào thời gian đầu thuộc địa, có một loại phương tiện vận tải đường bộ do người Pháp mang tới lần đầu tiên tại Việt Nam. Xe có hai bánh gỗ do người kéo và chạy bộ như kiểu chạy việt dã. Loại này tuy do người Pháp mang đến nhưng lại là sáng chế của người Nhật Bản - đó là xe tay.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Vào đầu năm 1884, viên toàn quyền Pháp sang Nhật thấy kiểu xe này liền mua hai cái, đem về Hà Nội. Những người thợ đất Hà Thành đã dựa vào mẫu chiếc xe kéo này chế tác ra những chiếc xe tương tự. Sau đó, một nhà thầu Pháp đã cho chế tạo khoảng 50 chiếc cho cả miền Bắc.

Chiếc xe kéo tay ấy dần phát triển, được cải tiến từ bánh gỗ sang lốp cao su. Xe phục vụ đường ngắn trong thành phố, thị xã, đôi khi cũng chở khách đi đường dài cả trăm km. Chúng là biểu tượng cho sự giàu có và uy quyền của chủ xe trong khi dân thường lại chủ yếu đi bộ.

Việc xuất hiện của xe kéo trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu trong nội thành, tạo ra một nghề mới cho những người nghèo nông thôn, đó là nghề phu xe. Nhưng hầu hết xe tay đều thuộc sở hữu của các chủ lớn cho thuê. Ở Hà Nội có các chủ xe: Hưng Ký 92 xe, Nguyễn Thị Hảo 35 xe, Bùi Văn Quế 35 xe, Vũ Văn Giai 28 xe… Hà Nội cũng đã có hãng sản xuất xe kéo lên đến 300 xe/năm vào những năm 1920. Xe kéo phát triển ở Hà Nội, tiếp đến Hải Phòng, Nam Định và sau đó mới đến Sài Gòn.

Tuy nhiên, xe kéo là loại phương tiện đi lại do người (thay ngựa) kéo chạy bộ, hết sức vất vả, lam lũ; là hình ảnh của sự bóc lột sức lao động con người, vì vậy nó chỉ phù hợp ở chế độ nô lệ thực dân. Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 84 (ngày 29/5/1946), quy định cấm sử dụng xe tay trong cả nước từ tháng Giêng năm 1948.

Ðây cũng được coi là giai đoạn kết thúc số phận của chiếc xe kéo sau hơn 60 năm xuất hiện trên các phố phường Hà thành.

Theo Ngọc Lê
Báo Giao thông vận tải