DMagazine

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng "mệnh lệnh từ trái tim"

(Dân trí) - Những "mệnh lệnh từ trái tim" luôn hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp đã được minh chứng bằng điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội trong một năm chất chứa khó khăn.

"Những điều hết sức khó lường đến từ tác động kép bởi nền kinh tế thế giới cũng như hạn chế âm ỉ trong nội tại đã khiến 2023 trở thành một năm đầy cảm xúc", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội), chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Những "cơn gió ngược" trong năm 2023 khiến tăng trưởng GDP "lúc trồi lúc sụt", đôi khi khiến nhiều người bị dao động, lo lắng. Song theo đại biểu Trịnh Xuân An, nhìn lại một năm đầy khó khăn và thử thách, chỉ số tăng trưởng GDP 5,05% là một kết quả đáng trân trọng.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 1

Hạ tầng giao thông, theo đại biểu Trịnh Xuân An, là điểm sáng nổi bật năm 2023, trong đó thể hiện dấu ấn của người đứng đầu Chính phủ.

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như điều hành của Chính phủ đã thể hiện rất rõ định hướng "làm việc gì cũng phải có trọng tâm, trọng điểm", và kết quả phải cân - đong - đo - đếm được.

Kết quả về xây dựng hạ tầng giao thông là minh chứng cho định hướng đúng đắn ấy. "Bằng những mệnh lệnh từ trái tim, Chính phủ quyết liệt điều hành, Quốc hội cũng sát cánh đồng hành trong việc triển khai xây dựng và tháo gỡ nút thắt cho các dự án giao thông trọng điểm, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho lợi ích của nhân dân và đất nước", ông An nói.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ được đưa vào sử dụng, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã đưa vào khai thác thêm 730km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Với gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025 cả nước có 3.000km và trên 5.000km cao tốc vào 2030.

"Đây là những con số rất đáng trân trọng, thể hiện sự nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ", theo lời ông An.

Không chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống sân bay, cảng biển cũng được Chính phủ tập trung triển khai, nâng cấp, và định hướng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng đang được nỗ lực tiến hành.

Sự đồng bộ trong bức tranh giao thông này, theo ông An, sẽ tạo động lực lớn trong việc phát huy nguồn lực của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên mọi miền đất nước.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 3

Nhìn lại năm 2023, đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), đánh giá Chính phủ rất cố gắng, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất xông xáo, làm việc không kể ngày đêm.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, người đứng đầu Chính phủ xác lập ưu tiên rất đúng khi bắt đầu bước vào một nhiệm kỳ đầy khó khăn, đó chính là đầu tư vào hạ tầng giao thông - lĩnh vực đã mang lại hiệu quả rõ nét ngay.

Theo ông Dũng, có rất nhiều thứ cần phải làm nhưng không dễ để làm, và việc lựa chọn ưu tiên là giao thông đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 5

Nhìn nhận một cách khái quát, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh kết quả kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo.

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh và động lực phát triển vẫn được duy trì. "Việt Nam vẫn là điểm trú chân an toàn, thể hiện qua số liệu thu hút đầu tư FDI", theo lời ông An.

Để giữ vững điều này, ông nhấn mạnh cần có sự đầu tư thích đáng để đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bởi trong một thế giới nhiều biến động, nếu đảm bảo quốc phòng - an ninh tốt sẽ tạo nên một môi trường ổn định và hình ảnh đẹp về một Việt Nam hòa bình. Đây là những yếu tố rất quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm khi đến Việt Nam.

Vị đại biểu cũng đặc biệt đánh giá cao dấu ấn trong công tác đối ngoại khi Việt Nam ngày càng thể hiện được vị trí, vai trò với thế giới. Thành công ấy không phải chỉ đơn thuần là những cuộc đối thoại xã giao hay gặp gỡ bắt tay nhau, mà thể hiện nội lực của đất nước, đem lại những thành quả cụ thể trong hợp tác về ngoại giao, kinh tế.

Dù đã vượt khó đạt nhiều kết quả, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng "chưa thể hài lòng" với những kết quả ấy, bởi còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm cho năm mới 2024.

Trước hết, ông nói cần khắc phục những yếu kém nội tại, bởi thực tế, năng lực nội tại của nền kinh tế chưa được khơi thông, còn nhiều điểm nghẽn liên quan thể chế, chính sách nên chưa phát huy được tối đa nguồn lực của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, nhiều khó khăn tích tụ lâu nay đã bắt đầu bộc lộ, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như khâu quản trị hệ thống tín dụng, xảy ra những sự việc rúng động và tác động lớn, như vụ Ngân hàng SCB.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 7

Đánh giá cao vai trò kiến tạo, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng có lẽ chưa bao giờ Chính phủ và Quốc hội vất vả, nỗ lực như năm 2023, đặc biệt trong việc kiến tạo chính sách. "2023 còn được gọi là năm của những sự thử nghiệm và năm của những cơ chế. Chưa bao giờ Chính phủ và Quốc hội cùng đồng hành ban hành nhiều cơ chế thí điểm có tính chất kiến tạo, đồng hành phát triển như vậy", vị đại biểu nhận định.

Dẫn chứng hàng loạt chính sách như tạo cơ chế thí điểm phát triển TPHCM, cơ chế đặc thù triển khai dự án giao thông trọng điểm, chính sách giảm thuế VAT, thuế tối thiểu toàn cầu…, ông An nhận định những chính sách này đã tạo sự lan tỏa, nhưng quan trọng hơn, phải sớm đi vào cuộc sống, tạo ra của cải vật chất.

Với nhận định kinh tế vĩ mô là điểm sáng song doanh nghiệp vẫn còn yếu, ông An góp ý cần tạo dựng môi trường để doanh nghiệp có đủ dư địa, "vùng vẫy" và phát triển lành mạnh, ổn định.

"Việc xây dựng thể chế và cải cách hành chính cần làm tốt hơn bởi đây là chủ trương lớn nhưng lại chưa thấm sâu vào văn hóa điều hành của từng cấp chính quyền, từng cán bộ", ông An nhận định.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 9

Đề cập nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông An cho biết mục tiêu tăng trưởng đã được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, cần tháo gỡ về mặt thể chế, xử lý các nút thắt, khơi thông nguồn lực và biến nguồn lực ấy thành động lực. Nếu thế, dù năm 2024 còn nhiều khó khăn, ông An tin việc đạt được các chỉ số Quốc hội giao là hoàn toàn khả thi.

"Năm qua chúng ta đã dồn lực chống đỡ, vượt qua được đỉnh khó khăn nên sức bật của năm 2024 sẽ nhanh hơn, tốt hơn", vị đại biểu kỳ vọng.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 11

"2023 là một năm khó khăn của cả nền kinh tế và chồng chất thử thách với doanh nghiệp", Tiến sĩ Trần Khắc Tâm (đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ từ góc độ của doanh nghiệp.

Ông Tâm ví hàng loạt yếu tố từ cả bên trong lẫn bên ngoài là những "cơn gió ngược" thử thách sức mạnh nội tại của nền kinh tế và tính phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Dù vậy, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chính sách quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ người dân, đặc biệt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

"Là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và cũng là chủ của một doanh nghiệp hàng chục năm, tôi thấy rằng, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước lại có sự hỗ trợ một cách quyết liệt, trên quy mô lớn như năm 2023", TS Trần Khắc Tâm chia sẻ.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 13

Ông dẫn chứng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì rất nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…

Ngay sau kỳ họp Quốc hội giữa năm, Chính phủ đã ban hành cả một nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mục tiêu lớn nhất của nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Tâm đánh giá cao việc lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo quyết liệt trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng VAT nhằm tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn về tài chính, tín dụng.

"Đây là nỗ lực rất quan trọng từ những lãnh đạo cao nhất của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế với tinh thần mọi quyết sách đều lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Ông Tâm cũng đưa ra hàng loạt đề xuất trong năm 2024 để vực dậy sức mạnh của doanh nghiệp.

Trước hết, ông đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn để phục hồi nhanh hơn hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Được ví là mạch máu của nền kinh tế, doanh nghiệp nếu không thể đầu tư sản xuất kinh doanh, nền kinh tế cũng sẽ không thể tăng trưởng", theo lời ông Tâm.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 15

 Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thuế, phí, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đề xuất Chính phủ có chính sách giãn thuế đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn; tiếp tục giảm các loại phí, lệ phí, giảm tiền thuê đất…

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, TS Trần Khắc Tâm cho rằng doanh nghiệp cũng cần tự thân vận động trong việc tìm thị trường, còn cơ quan chức năng có thể tạo cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đơn hàng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính…

Cho biết vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đến các tỉnh ĐBSCL để tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Tâm nói đây là tín hiệu tích cực và mong Chính phủ tạo cơ chế để doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại ĐBSCL.

Đặc biệt, khu vực ĐBSCL cần một cảng nước sâu để thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu nông sản. "Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy cơ hội này ở cảng nước sâu Trần Đề", ông Tâm nói.

Tái khẳng định nhiều chỉ đạo và quyết sách quyết liệt được Chính phủ, Quốc hội ban hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong suốt năm qua, song ông Tâm nhấn mạnh việc quan trọng là triển khai các quyết sách này tới từng bộ ngành, địa phương, thậm chí là từng doanh nghiệp, sao cho phát huy hiệu quả thực sự.

Vượt đỉnh khó khăn, tạo sức bật mạnh mẽ bằng mệnh lệnh từ trái tim - 17

TPHCM được đề xuất áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới (Ảnh: Hoàng Giám).

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Tuấn Huy