1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên - Huế:

Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ

(Dân trí) - Bên cạnh “kỷ lục” nhiều người đi Lào nhất tỉnh, Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, TT-Huế) còn là xã điển hình về số người bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Về xã Lộc Bổn trong những ngày đầu năm mới, cả làng vắng hoe. Con đường đất dẫn vào các thôn yên tĩnh đến lạ; chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Thi thoảng mới gặp vài chàng trai đi làm ruộng về. Nhiều căn nhà được rào kín cổng bằng tre và nứa - dấu hiệu của nhà đã đi làm ăn xa. Trước tết, gần 100 xe hơi mang biển số Lào do dân ở đây mua lái từ Lào về quê ăn tết khiến cả làng “đặc” ô tô; nhiều ngôi nhà lầu, nhà mái bằng mọc lên chứng tỏ sự phát triển về kinh tế của làng.
 

Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ - 1

Những con đường dẫn vào thôn xóm ở xã Lộc Bổn vắng hoe vì thanh niên, người lớn đã đi Lào làm ăn gần hết
 
Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ - 2
Chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em

Giải thích về sự vắng vẻ của làng, 2 phụ nữ tên Vũ Thị Điệp và Trần Thị Lý (người thôn Thuận Hóa) cho biết: “Làng đi hết mấy ngày trước rồi chú ơi. Tết về đông lắm, qua 20 tháng Giêng lại lục tục kéo nhau sang Lào làm ăn rồi. Tụi tôi vì tuổi khá cao nên ở nhà, chứ trẻ lại chừng 5 tuổi là cũng đi”.

 

2 chị cho biết, người dân làng này qua Lào sinh nhai, nghề gì cũng làm, từ phụ hồ, thợ mộc, thợ chạm cho đến làm móng, uốn tóc gội đầu, bán kem... Ai khá hơn thì đi buôn hoa quả, áo quần và các hàng tiêu dùng thiết yếu. “Người Việt buôn bán trong chợ Lào giờ đi đâu cũng thấy” - chị Lý nói.

 

Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ - 3

Tại Lộc Bổn, mỗi năm dân đi Lào ước tính làm ra của góp phần vào ngân sách địa phương lên đến hơn 10 tỷ đồng. Vì vật giá bên Lào rẻ hơn nên đã có nhiều đám cưới làng thấy toàn đồ Lào như thức ăn, rượu... Tại Lào trả công cao hơn Việt Nam nên người lao động qua đây cũng dồn được nhiều tiền hơn so với 1 năm lao động tại Việt Nam.

Chị Điệp và chị Lý nói nếu trẻ hơn 5 tuổi cũng sẽ qua Lào kiếm sống

Mỗi sáng, có 5 chuyến xe hàng và xe khách qua Lào chở dân làng đi theo qua các chợ từ Savanakhet cho đến Viên Chăn. Hơn 3.000 người ở Lộc Bổn, chiếm 2/3 lao động địa phương, đã biết sang Lào làm ăn từ gần 20 năm nay nên đây cũng được xem là xã có nhiều người đi Lào nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuộc sống khấm khá ở làng này cũng nhờ đi lào mà nên.

Tuy nhiên, bên cạnh "kỷ lục" nhiều người đi Lào nhất tỉnh, Lộc Bổn còn là xã điển hình và số người bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
 
Chỉ tay về căn nhà không có ai bên kia đường, chị Lý cho biết đó là nhà của bé Dương T.L., 12 tuổi. Chị kể khi mới 7 tuổi, L. được ba mẹ bồng qua Lào tìm kế sinh nhai. Một người gốc Sài Gòn thân với ba mẹ L. xin L. về làm con nuôi. Sau này chính người đàn ông đó lại giở trò thú tính với L. nên ba mẹ L. đến đòi con về. Một năm, người đàn ông đó chết vì AIDS. L. nghiễm nhiên bị lây căn bệnh thế kỷ.

 

5 năm đã trôi qua, nghe chuyện của L. ai cũng tội cho cô bé, nhưng L. thì vẫn hồn nhiên lắm, cứ thấy có cán bộ xã xuống thăm hỏi, cho quà lại ríu rít kể chuyện.

 

Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ - 4

Ngôi nhà của Dương Thị L. đóng cửa im ỉm vì cả nhà đã qua Lào kiếm sống

Ngoài ra, có anh Nguyễn Văn H. cũng mắc AIDS, ra đi ở tuổi 47 và đã “kịp” để lại mầm bệnh chết người cho vợ. Anh H. trước khi mắc bệnh cũng có 5 năm kiếm ăn bên Lào. 4 đứa con anh may mắn đều khỏe mạnh, nhưng đã phải sớm đau nỗi đau mồ côi và bị hàng xóm, bạn bè dè bỉu.

 

Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch văn xã UBND xã Lộc Bổn, cười buồn: “Cứ nói đến Lộc Bổn là biết ngay làng nhiễm “ết” nhiều nhất huyện Phú Lộc, cũng là nơi nhiễm nhiều nhất tại Huế. Hiện cả xã có 21 người nhiễm, trong đó 10 người đã chết. Nguyên nhân chủ yếu là mắc bệnh do quan hệ tình dục bừa bãi với gái làng chơi. Giờ đây số người đi làm ăn xa mỗi năm mỗi đông, không biết trong số họ có bao nhiêu người bị bệnh? Vợ chồng ở đây đã thành tục lệ, cứ hễ lấy nhau là phải đi xét nghiệm máu xem có bị bệnh hay không. Sống chung với “ết” riết rồi thành quen”.


“Chúng tôi cũng cố gắng làm các công tác truyền thông trong dân nhưng người đi lao động xa nhiều quá; những người đi Lào thì 1 năm chỉ về nhà 1-2 lần, nên chúng tôi chỉ tranh thủ tuyên truyền được thôi” - ông Khương phân trần.
 
Th.s. Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh TT-Huế, cho biết: Tính từ năm 1993 đến thời điểm ngày 30/01/2011, toàn tỉnh có 1.009 người mắc HIV; trong số đó đã có 384 người chuyển qua giai đoạn AIDS, số người chết đã là 263.
 
Xã giữ “kỷ lục” số người mắc căn bệnh thế kỷ - 5

Những giáo dục viên đồng đẳng TT-Huế đang đi thu gom kim tiêm (Ảnh của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh TT-Huế cung cấp)
 
Người mắc căn bệnh thế kỷ chủ yếu lây qua đường tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động đi làm ăn xa, lây bệnh từ gái mại dâm.
 
Riêng từ năm 2005 đến nay, số người nhiễm HIV/AIDS tại Huế tăng “đều đặn”, trung bình 1 năm có 100 người nhiễm; riêng năm 2009 có 132 người nhiễm.
 

Đại Dương