Bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Từ chuyện cháu bé không ăn bánh mì vì sợ tẩm độc

Hoa Lê

(Dân trí) - Từ vụ việc bé trai 7 tuổi kể với bố là không dám ăn đồ tên bắt cóc mua, chỉ dám xin nước gã này uống cho thấy việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em rất cần thiết.

Liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố (PC02) đang tạm giữ hình sự Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi bắt cóc để cưỡng đoạt tài sản.

Thông tin trước đó, tối 14/8, Trung đi ô tô nhiều vòng quanh khu biệt thự thì phát hiện bé trai 7 tuổi (sống tại khu biệt thự ở phường Vĩnh Hưng, Hà Nội) đang đạp xe nên đã khống chế và bắt giữ nạn nhân rồi đưa lên ô tô.

Sau khi bắt cóc cháu bé, Trung lái xe bỏ trốn lòng vòng qua nhiều tỉnh như Hưng Yên, Bắc Giang... sau đó mới đi về tỉnh Hà Nam.

Tới khoảng 5h ngày 15/8, tại khu công nghiệp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, tổ công tác ập vào, bắt giữ Nguyễn Đức Trung khi đối tượng nhận tiền từ gia đình và đã thả cháu bé.

Bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Từ chuyện cháu bé không ăn bánh mì vì sợ tẩm độc - 1

Gia đình bé trai chụp ảnh cùng cán bộ Phòng PC02 (Ảnh: Hải Nam).

Trao đổi với báo chí, anh N.X.C. - bố của cháu bé - cho biết, trong quá trình đối tượng di chuyển, người mẹ cầu xin tên bắt cóc cho con được ăn uống.

Nghi phạm mua bánh mì nhưng cháu bé không dám ăn bởi sợ bánh mì tẩm thuốc độc. Khi khát nước, bé trai xin kẻ bắt cóc cho uống nước nhưng hắn không đồng ý. 

Khi được hỏi sao dám uống nước dù từ chối đồ ăn, người bố cho biết con anh nói "nhìn thấy tên bắt cóc uống được thì mình cũng uống được".

Chia sẻ về việc dạy kỹ năng sống cho con, anh C. cho biết, từ khi con biết đọc, biết nói, cả 2 con anh đều được dạy, luyện tập để thuộc số điện thoại của bố mẹ. Vợ chồng anh C. luôn dạy con cách tự lập, gặp người lạ phải có phương án đề phòng.

Trẻ cần được trang bị kỹ năng thiết thân

Bàn về việc này, theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, từ vụ bắt cóc trên cho thấy, việc dạy dỗ trẻ em phải rất toàn diện. Trẻ cần được trang bị kỹ năng sống, nhận biết những mối nguy cơ và cách giải quyết những tình huống phát sinh trong cuộc sống.

"Hiện nay, việc giáo dục con trẻ không chỉ dừng ở học kiến thức, lý thuyết thuần túy, mà các cháu cần được trang bị những kỹ năng để có năng lực ứng phó những tình huống khác nhau", bà Hồng cho hay.

Trong trường hợp cháu bé 7 tuổi bị bắt cóc, cháu có thể không tuân theo yêu cầu của kẻ bắt cóc. Cháu bé vẫn nhận định được tình hình, từ chối ăn bánh mì được đưa.

Bà Hồng nhận định: "Việc cháu bé có những hành động, nỗ lực để thoát khỏi tình huống nguy hiểm càng chứng minh kỹ năng sống rất cần thiết. Trong hoàn cảnh này, nhiều người lớn có thể không đủ bình tĩnh để xử lý tình huống, có những kỹ năng như vậy".

Bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Từ chuyện cháu bé không ăn bánh mì vì sợ tẩm độc - 2

Tạm giữ hình sự nghi phạm đi ô tô bắt cóc bé trai.

Cha mẹ, nhà trường và cơ quan liên quan đến giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em cần lưu ý để thay đổi tư duy giáo dục. Không đơn thuần chỉ nuôi lớn, trẻ em cần sống tự lập, có kỹ năng ứng phó hoàn cảnh phát sinh trong cuộc sống.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, nhà trường nên đưa giáo dục kỹ năng thành một bộ môn, giúp trẻ giải quyết các tình huống, trang bị kỹ năng như xử lý khi đi lạc trong rừng, ngoài phố hoặc lúc vô tình bị nhốt trong nhà... Tất cả những vấn đề này rất cần thiết trong cuộc sống.

Giáo dục kỹ năng phải kiên trì

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, trong câu chuyện của cháu bé không may bị bắt cóc, thông tin phản ánh cho thấy cha mẹ đã lưu ý đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con từ khi còn nhỏ. Đây là việc rất tốt, đáng hoan nghênh.

Theo bà Linh, cha mẹ nên trang bị cho con nhỏ kỹ năng sống càng sớm càng tốt, thực hành, đặt ra các tình huống để trẻ tư duy, suy nghĩ tìm cách giải quyết, hình thành tư duy và phản xạ cho trẻ khi gặp các vấn đề.

Việc giáo dục kỹ năng sống phải kiên trì, lặp đi lặp lại trên nguyên tắc để trẻ tự nhận ra câu trả lời sẽ giúp các con thực sự hình thành kỹ năng.

"Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng, đã là kỹ năng thiết yếu thì giáo dục kỹ năng sống nên được đưa vào chương trình giáo dục chính thức và được xây dựng khoa học, theo lộ trình và sự phát triển của trẻ", Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) khẳng định.

Bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Từ chuyện cháu bé không ăn bánh mì vì sợ tẩm độc - 3

Bố bé trai tại trụ sở công an (Ảnh: Hải Nam).

Bà Phương Linh lấy ví dụ, ở cấp tiểu học, các nội dung giáo dục có thể hướng trẻ quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng an toàn cho trẻ như phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực, xâm hại. Tiếp tới là các bộ kỹ năng liên quan tới phát triển giao tiếp, ngôn ngữ, quản lý thời gian, hay các bộ kỹ năng số...

Tiếp đó, ở độ tuổi cấp 2, các kỹ năng có thể cần quan tâm hơn như kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống và nhạy cảm với các vấn đề của lứa tuổi như giới, sự tự tin...

"Nói chung, việc xây dựng một lộ trình phù hợp cho việc xây dựng các kỹ năng cần thiết cho trẻ theo độ tuổi và phù hợp với bối cảnh, cá nhân là cần thiết để tối ưu hóa các tiềm năng và sự phát triển phù hợp của trẻ", bà Phương Linh nhấn mạnh.