Thanh Hóa:

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: "Sự động viên kịp thời"

Bình Minh

(Dân trí) - Gần 3 tháng nghỉ do Covid-19, nhiều chủ tiệm spa ở Thanh Hóa phải chuyển sang dịch vụ khác. Trong tình cảnh phải "cầm cự" từng ngày, họ cảm thấy được an ủi rất nhiều khi Chính phủ quan tâm hỗ trợ.

Điêu đứng do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều spa trên địa bàn Thanh Hóa lâm vào tình trạng điêu đứng. Thành lập chưa được bao lâu, thế nhưng tiệm spa của chị Nguyễn Thị Dung trên đường Nguyễn Trãi (thành phố Thanh Hóa) liên tục phải nghỉ do dịch Covid-19.

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Sự động viên kịp thời - 1

Spa của chị Dương Thị Thảo hoạt động thời điểm dịch covid-19 chưa bùng phát.

Không lường trước được tình hình dịch phức tạp nên chị Nguyễn Thị Dung đã đầu tư khá nhiều kinh phí vào việc xây sửa lại cơ sở vật chất. Để có thể "cầm cự", chị phải làm thêm dịch vụ gội đầu cho khách. Dù thu nhập không được bao nhiêu nhưng cũng có chút chi phí trang trải cuộc sống.

"Từ khi có thông báo cấm dịch vụ spa, tôi chuyển sang dịch vụ gội đầu, tuy nhiên khách không nhiều do họ cũng lo lắng về dịch bệnh. Trước khi có dịch, spa của tôi duy trì 5 nhân viên nhưng giờ chỉ còn lại 2 người.

Cho đến nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại khiến chúng tôi rất lo lắng, không biết sẽ phải xoay xở ra sao trong thời gian tới. Mỗi tháng tôi vẫn trả tiền thuê mặt bằng 17 triệu đồng nhưng bỏ thì cũng không biết sẽ làm công việc gì trong thời điểm dịch dã khó khăn như thế này", chị tâm sự.

Trước đó, vào ngày 6/5, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra công điện khẩn yêu cầu dừng mọi dịch vụ không thiết yếu trên phạm vi toàn tỉnh như: Quán bar, các cơ sở kinh doanh karaoke, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym…. Các cơ sở này phải dừng mọi hoạt động từ 0h ngày 7/5 cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.

Chị Dương Thị Thảo mở tiệm spa từ cuối tháng 10 năm ngoái trên đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa. Cho đến nay, chưa đầy một năm nhưng phải nghỉ dịch hơn 3 tháng. Khó khăn chồng chất khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng 10 triệu đồng/tháng, trả lãi ngân hàng…

"Không được hoạt động do dịch, tiệm spa của tôi chuyển sang làm dịch vụ gội đầu và làm móng. Lỗ nhiều nhưng vì đã làm thì phải chấp nhận thôi, chỉ mong nhanh hết dịch để có thể hoạt động trở lại", chị Dương Thị Thảo chia sẻ.

Hỗ trợ vượt khó 

Chị Dương Thị Thảo có nghe báo, đài nói về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ và đối tượng như chị sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Điều này khiến chị rất vui vì cảm thấy được an ủi trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Sự động viên kịp thời - 2

Nhiều tiệm spa phải chuyển sang làm dịch vụ gội đầu hoặc làm móng cho khách để "cầm cự".

"Qua nghiên cứu NQ 68/NQ-CP và QĐ 23/2021/QĐ-TTg, tôi sẽ thuộc nhóm đối tượng thứ 10, được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng chúng tôi thấy ấm lòng vì được Nhà nước quan tâm. Đó cũng là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn này", chị nói.

Còn chị Nguyễn Thị Liên, chủ một tiệm spa trên đường Dương Đình Nghệ, thành phố Thanh Hóa, bộc bạch: "Dịch bệnh xảy ra, cửa tiệm phải đóng cửa, dù không có thu nhập nhưng tiền lãi ngân hàng mỗi tháng và tiền mặt bằng chúng tôi vẫn phải trả. Nhận được sự quan tâm của Chính phủ chúng tôi cũng thấy được an ủi phần nào".

Do dịch bệnh không biết đến bao giờ mới dừng lại, ngoài việc hỗ trợ người dân bằng tiền, chị Nguyễn Thị Liên cũng mong muốn Chính phủ có giải pháp giúp những hộ kinh doanh vượt qua khó khăn khi dịch hoành hành.

"Là một trong số đối tượng may mắn được hưởng chính sách của Nhà nước nên tôi thật sự rất cảm động. Tôi mong muốn chính sách sớm đến được tay người dân để phần nào bớt khó khăn hơn", chị Nguyễn Thị Dung, chủ spa trên đường Nguyễn Trãi mong muốn.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.