Khó hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại vì... không biết tiếng

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi bị xâm hại tình dục muốn kêu cứu cũng gặp nhiều khó khăn vì không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ của các em cũng tương tự.

Thông tin trên được bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái nêu lên tại tọa đàm "Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục" do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 26/10.

Theo bà Huyền, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục). Các vụ xâm hại chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Khó hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại vì... không biết tiếng - 1

Tọa đàm "Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục" do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 26/10 (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Khi bị xâm hại, trẻ em vùng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn khi kêu cứu cơ quan chức năng vì không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ của các em cũng tương tự. Hội phụ nữ muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ đã bị xâm hại cũng gặp nhiều trở ngại.

"Có trẻ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, chúng tôi muốn hướng dẫn cha mẹ chăm sóc nhưng họ không biết tiếng phổ thông. Mỗi lần đi hỗ trợ chúng tôi phải có phiên dịch đi cùng", bà Huyền thông tin.

Cũng theo cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái, hầu hết trẻ em vùng đồng bào DTTS đi học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà. Do vậy, các tổ chức muốn tiếp cận, hỗ trợ cũng không đơn giản. Bản thân các em cũng còn rụt rè, không cởi mở…

"Những em tuổi lớn hơn, nhanh nhẹn hơn thì lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Các em vô tư tham gia những hội kín, nhắn tin, gửi ảnh mà không lường trước hậu quả. Từ đó, các em bị rủ rê đi chơi, bị xâm hại tình dục mà không hề hay biết, cũng như không dám lên tiếng", bà Huyền nói.

Từ kinh nghiệm của địa phương, bà Huyền cho rằng, để giảm thiểu trẻ em bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em vùng đồng bào DTTS nói riêng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng.

Khó hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại vì... không biết tiếng - 2

Bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Chia sẻ tại tọa đàm, Ths. Tô Thị Hạnh, đại diện Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết, thời gian qua tổ chức này đã nỗ lực tham vấn về quyền và pháp lý cho trẻ và gia đình; phòng ngừa tái sang chấn với trẻ trước, trong và sau khi trẻ tham gia vào quá trình y tế, pháp lý và quay trở lại trường học…

Bà Hạnh cho biết trẻ đã có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp; trẻ sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc) sau khi các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục.

"Đối với gia đình và cộng đồng, từ những trợ giúp của chúng tôi, giáo viên cũng có thái độ cảm thông, chấp nhận và hỗ trợ trẻ hơn; nhóm bạn dễ chấp nhận và chơi cùng. Đặc biệt, các nhân viên y tế khi tiếp xúc với trẻ bị xâm hại tình dục đã có kinh nghiệm hơn, quá trình khám cho trẻ bị xâm hại tình dục diễn ra thuận lợi hơn", bà Hạnh thông tin.

Đại diện Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng, qua công tác tuyên truyền, gia đình không còn nhắc lại câu chuyện buồn này trước mặt trẻ. Các bậc phụ huynh cũng đã hiểu hơn hệ quả của sang chấn với trẻ, giúp giảm sự bạo lực tinh thần từ người thân tới trẻ. 

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia 111, trong 9 tháng đầu năm có  238.500 cuộc gọi đến (trong đó trong năm 2021 là 507.861 cuộc, năm 2022 là 368.346 cuộc). Trong đó, 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục.

Đáng lưu ý, chỉ trong 9 tháng đầu năm đã có 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục (năm 2021 là 194 trường hợp, năm 2022 là 163 trường hợp).