Đang thiếu hay thừa giáo viên?

Theo thống kê mới đây của Bộ GD &ĐT, cả nước hiện còn thiếu khoảng 153 nghìn giáo viên bậc tiểu học, THCS và THPT. Vậy đến khi nào, ngành giáo dục mới lấp đầy khoảng thiếu hụt đội ngũ giáo viên ấy?

Đang thiếu hay thừa giáo viên? - 1
Nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu tạo nên hiện tượng thiếu giáo viên giả tạo
Hàng chục năm nay, các trường sư phạm đào tạo giáo viên từ địa phương đến trung ương không ngừng mở rộng, phát triển về qui mô, số lượng và hình thức đào tạo (chính quy, tại chức, từ xa) thế mà đến nay vẫn chưa đủ đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng giáo viên cho bậc học phổ thông của cả nước.

Nói đến các thành phố lớn, thì hiện nay, chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh là "đau đầu" với chuyện thiếu giáo viên. Bước vào năm học mới, các cấp học ở Thành phố thiếu trên 300 thầy cô giáo. Thu nhập của nghề giáo thấp hơn nhiều so với việc đi làm ngoài. Số trẻ em đến trường của thành phố trên 10 triệu này liên tục gia tăng, tạo ra áp lực lớn đối với ngành giáo dục. Đó là những nguyên nhân chính, khiến Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.

Câu chuyện thiếu giáo viên hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt ở các tỉnh, huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù các nơi đó, đã có những chính sách riêng đãi ngộ đối với thày cô giáo nhưng số lượng thầy, cô giáo đến công tác và gắn bó lâu dài vẫn chưa nhiều. Có người lên một thời gian ngắn rồi cũng tìm cách xin về đồng bằng, đến nơi có điều kiện tốt hơn. Nơi thiếu vẫn hoàn thiếu.

Thiếu giáo viên, trường lớp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Buộc phải dồn lớp, ghép lớp, số học sinh trong một lớp có thể lên đến 60, 70 em. Rõ ràng, công tác quản lý, giảng dạy nâng cao chất lượng khó đạt mong muốn, trong hoàn cảnh trường lớp như thế. Giáo viên phải dạy 2 ba lớp, hoặc dạy quá nhiều tiết trong ngày, trong tuần , không có thời gian cần thiết để chuẩn bị và chấm bài, nghỉ ngơi, hiệu quả lao động chắc chắn sẽ thấp.

Nơi thiếu thì vẫn thiếu, nơi thừa thì cứ thừa. Tình trạng thừa giáo viên tập trung ở đồng bằng, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Nhiều trường đã phân không đủ tiết cho giáo viên giảng dạy, mỗi tuần giáo viên chỉ dạy có 8,9 tiết, trong khi đó, qui định là 17-19 tiết/ tuần. Buộc phải bố trí, phân công giáo viên thiếu tiết làm thêm những công việc khác, không thuộc chuyên môn chính của mình. Số giáo viên dư thừa, không xin được chỗ dạy đang gia tăng đáng kể.

Bộ giáo dục và các Sở giáo dục có nắm được con số cụ thể của số giáo viên ấy không? Đào tạo ra tốn kém nhiều tiền của gia đình và Nhà nước mà không được sử dụng đúng mục đích, thì lãng phí vô cùng.

Tôi từng tiếp xúc với nhiều em sinh viên học hành rất bài bản ra trường đã nhiều năm mà không tìm được chỗ dạy. Các em hầu hết là con em lao động vùng thôn quê nghèo khó. Các em thật tội nghiệp, năm nào cũng nộp hồ sơ xin việc lên Phòng giáo dục, Sở giáo dục, với hy vọng được xét tuyển nhưng ba năm qua có được đâu, khi lên hỏi lần nào họ cũng bảo đã hết chỉ tiêu rồi. Cơ hội của các em để có chỗ dạy ở quê nhà càng thu hẹp, nhỏ dần, khi mỗi năm số lượng sinh viên ra trường càng đông, khi qui mô, số lượng trường lớp, học sinh ở nhiều nơi đã đi vào ổn định, có xu hướng ít dần học sinh (do thực hiện kế hoạch gia đình nhiều năm nay). Do đó, vấn đề xin việc làm của sinh viên trường sư phạm càng trở nên khó khăn, bức xúc. 

Bây giờ, xin được chỗ dạy, nơi gần nhà, có điều kiện thuận tiện không hề dễ dàng gì. Không thuộc diện bốn C (con ông cháu cha) thì phải có tiền và biết chỗ để lo lót, chạy chọt. Có nơi phải tốn cả trăm triệu đồng mới được nhận vào dạy. Việc "làm luật" khi xin việc ở  ngành giáo dục gần như là phổ biến, hiển nhiên, ngày càng tinh vi...Ngành giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác của Nhà nước, dường như có vào mà không có ra, nghĩa là không cạnh tranh, không có sa thải, cho dù người đó làm không được, dạy không xong. Trường học lâu nay là một qui trình khép kín, nên những sinh viên có năng lực, giỏi giang ít có cơ hội để có chỗ dạy. Đây cũng là điểm hạn chế ở ngành giáo dục, tạo nên sức ỳ lớn ở giáo viên, khiến nhiều người giảng dạy cầm chừng, thiếu ý chí phấn đấu, nỗ lực...

Trước đây, chỉ có bài toán thiếu giáo viên, còn nay trong thực tế  lại phát sinh thêm bài toán thừa giáo viên. Thiếu giáo viên, với số lượng chừng đó, ngành giáo dục có thể giải quyết được thời gian tới. Chúng tôi thiết nghĩ, Bộ giáo dục nên yêu cầu những địa phương, những nơi hiện còn thiếu giáo viên, cần tuyển thêm thầy cô, cần báo cáo, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa chỉ trường thiếu, môn thiếu, cùng với các chính sách, hỗ trợ đãi ngộ khác, thì nhất định sẽ có nhiều sinh viên đã ra trường ở nơi khác chưa xin được việc làm tìm đến. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường bế tắc xin chỗ dạy, một phần là do không có thông tin ở những nơi còn thiếu, đang có nhu cầu. Có em nói, em đi đâu cũng được, kể cả ngoại tỉnh, miễn là có chỗ dạy, đảm bảo đời sống cho em.

Giải quyết bài toán dư thừa giáo viên ở không ít nơi hiện nay (do việc đào tạo không gắn với nhu cầu thực tế của địa phương) càng trở nên khó khăn hơn. Có thể vận dụng nhiều biện pháp linh động, hợp lí. Đó là cho số giáo viên nghỉ hưu trước tuổi, thay vào đó là thế hệ giáo sinh trẻ đang thất nghiệp, chờ việc ở nhà. Nếu cần thiết giãn số lớp ra, thay vì 45 em trên một lớp thì nay mỗi lớp chỉ cần 30-35 em là được, ít học sinh càng dễ dạy, chất lượng tốt hơn. Biện pháp khác là giảm số tiết chuẩn của giáo viên xuống, từ 17 tiết xuống còn 14, từ 19 tiết xuống còn 16 tiết, sẽ góp phần giải quyết được lượng dư thừa đồng thời để giáo viên có thời gian đầu tư cho chất lượng dạy nhiều hơn.Chỉ tiêu tuyển sinh của trường sư phạm nên ở mức vừa phải, bám sát nhu cầu thực tế theo từng giai đoạn, không ham dàn trải trên từng tỉnh thành mà gom một số trường sư phạm lại, để đầu tư, đào tạo tốt hơn. Mặt khác, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt khó khăn, số lượng giáo viên luôn biến động, thiếu hụt, đến rồi đi, thì cần tăng cường đào tạo nguồn giáo viên tại chỗ, có thế họ mới ổn định, gắn bó lâu dài.                 

Thanh Bình

LTS Dân trí - Bài viết trên đây của một giáo viên lâu năm có điều kiện hiểu rõ và phân tích khá kỹ về tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên hiện nay và những nguyên nhân gây nên tình trạng đó. Vì vậy, con số thống kê của ngành về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay có thể không đúng với tình hình thực tế nếu chỉ căn cứ vào con số báo cáo của các cơ sở giáo dục mà chưa thống kê được những giáo sinh mới tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp mấy năm mà vẫn chưa tìm được việc làm vì không thuộc diện “con ông cháu cha” hoặc không có đủ tiền để chạy chọt.

Đấy là tình trạng tiêu cực có thật trong ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác. Kiên quyết chống tình hình tiêu cực đó không  những trả lại môi trường lành mạnh cho giáo dục mà còn giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên giả tạo ở không ít nơi.