Tranh cãi xung quanh vụ thí sinh "bắn" đề thi văn, toán ra ngoài

Bảo Khang

(Dân trí) - Nhiều độc giả thắc mắc, nếu trường hợp cũng có nhiều người khác "bắn" đề thi ra ngoài và người thân không đăng lên mạng xã hội, liệu hội đồng thi THPT Quốc gia có biết lọt đề thi?

Trong kì thi THPT Quốc gia vừa diễn ra đã xảy ra sự cố một thí sinh ở Hội đồng thi tỉnh Cao Bằng dùng điện thoại iPhone 11 để chụp đề môn văn, rồi gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp vào khoảng 8h. Tình trạng tương tự cũng diễn ra vào buổi chiều, một thí sinh ở Yên Bái bị nghi dùng điện thoại chụp đề toán rồi gửi ra bên ngoài.

Tranh cãi xung quanh vụ thí sinh bắn đề thi văn, toán ra ngoài - 1

Hình ảnh đề thi môn văn được tuồn ra ngoài bằng điện thoại iphone 11 (Ảnh: MXH).

Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và đưa ra nhận định, sự việc trên không ảnh hưởng đến kì thi khiến nhiều người băn khoăn.

Gửi ý kiến bình luận về báo Dân trí, độc giả Lâm Nguyễn viết: "Vì sao lại có thể gửi đề ra ngoài ngay khi thời gian vào thi mới được ít thời gian. Có khi nào cũng có những thí sinh khác vi phạm nhưng người nhà không đăng lên mạng nên không bị phát hiện? Một phòng thi thường có từ 2-3 giám thị, không hiểu các giám thị trông coi kiểu gì mà để thí sinh sử dụng điện thoại chụp đề bài rồi gửi ra bên ngoài, cần xem xét lại trách nhiệm của các giám thị này".

Độc giả Lê Hoàng: "Đề thi được chụp bằng Iphone 11, một thiết bị khá to chứ không phải thiết bị nhỏ tinh vi nào khác, đề thi được chụp sắc nét, rõ ràng, đây chính là điều mà không chỉ tôi mà nhiều người khác thắc mắc về an ninh coi thi. Để học sinh mang được điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh tuồn ra ngoài rồi sau đó sẽ nhận bài giải trên điện thoại. Coi thi như vậy là lỏng lẻo, thế này thì chỉ khổ và không công bằng những em học sinh nghiêm túc khác".

"Việc xem xét trách nhiệm của giám thị là chính xác một cách tuyệt đối. Để thí sinh mang điện thoại vào phòng thi như vậy là công tác coi thi còn kém",độc giả Văn Ngọc Soạn chia sẻ.

Nhiều ý kiến trái chiều lại cho rằng, sự cố trên khó mà đổ lỗi hết cho giám thị được, như vậy là "thiệt thòi".

Độc giả Luu Hai: "Theo quan điểm của tôi kỉ luật giám thị là điều rất thiệt thòi đối với họ, chúng ta có cung cấp đủ công cụ để họ có thể giám sát được việc gian lận này không? Giám thị không có quyền khám xét người thí sinh. Đây cũng là lỗ hổng. Tại sao không giám sát việc mang thiết bị công nghệ trước khi vào phòng thi, có hay chăng cần quy cả trách nhiệm này cho điểm thi hay không, giám thị họ cũng là người thường quan sát bằng mắt và với bao nhiêu mắt để quan sát hết tất cả học sinh trong 1 phòng thi?".

"Người coi thi không được tập huấn nghiệp vụ để phát hiện công nghệ tinh vi như hiện nay hay được trang bị phương tiện để kiểm tra trước khi vào phòng thi; để trang bị đủ cho 63 hội đồng thi trên cả nước giống như kiểm tra an ninh ở sân bay thì quả là rất khó. Chúng ta nên có biện pháp xử lí thật nặng theo luật, đây coi như là vi phạm luật bảo mật quốc gia". Độc giả Van Minh.

Độc giả Thanh đưa ra phương án: "Theo tôi sau này mỗi điểm thi cần trang bị một thiết bị phá sóng hoặc làm nhiễu sóng viễn thông và tín hiệu Internet bắt đầu phát đề và hết giờ thu bài, thậm chí còn phòng ngừa cả Flycam nữa".

Độc giả Huong: "Giờ mỗi phòng thi nhà nước đầu tư một cái gậy giống sân bay khi thí sinh đi qua thí sinh mang điện thoại hay gì lạ là biết ngay thì đảm bảo tuyệt đối luôn".

"Cần bố trí máy phá sóng tại tất cả các điểm thi, trang bị cửa kiểm tra an ninh như sân bay tại 1-2 luồng lối đi của học sinh khi vào khu vực thi; lắp đặt camera kiểm soát các góc khuất trong khuôn viên điểm thi quản lí trực tiếp bởi BGD và PCT tỉnh chuyên trách", độc giả Hoan Vn.

Tuy nhiên những ý kiến này đã bị phản bác bởi thiếu thực tế, vì để đầu tư được các trang thiết bị hiện đại như phá sóng, cửa kiểm tra an ninh... sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của địa bàn xung quanh điểm tổ chức thi.