Trường cấm học sinh thi vào lớp 10: Khi bệnh thành tích trở nên trầm trọng

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Được đi thi là quyền của học sinh, không có chỉ đạo, không có kiểu ép thành tích thì trường nào, thầy cô nào dám tự ý làm việc này?", độc giả Dân trí bình luận.

Những ngày cận kề kỳ thi vào lớp 10, một câu chuyện "mới mà cũ" lại xảy ra, đó là việc nhiều nhà trường tìm những cách khác nhau để ngăn học sinh có học lực trung bình tham gia dự thi. Lá đơn của một phụ huynh "xin cho con không thi vào lớp 10" cùng lời cam kết "sẽ không khiếu nại mọi vấn đề về sau" do nhà trường soạn sẵn để phụ huynh ký mới được đăng tải trên mạng xã hội là ví dụ tiêu biểu về cách thi đua có phần "phản giáo dục" của nhiều nhà trường hiện nay. 

Phía dưới các bài viết của Dân trí phản ánh về sự việc, hàng loạt độc giả bày tỏ sự bất bình. Họ cho rằng chính các thầy cô đang tước đi những quyền lợi chính đáng và khép lại những cánh cửa mở ra tương lai cho các em học sinh. 

Trường cấm học sinh thi vào lớp 10: Khi bệnh thành tích trở nên trầm trọng - 1

Lá đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh của một trường THCS trên địa bàn TPHCM (Ảnh: T.M).

"Không bị ép thành tích thì thầy cô nào dám làm?"

Bức xúc trước cách hành xử của nhà trường ở tình huống nêu trên, chị Tran Thu Huyen viết: "Được đi thi là QUYỀN của học sinh, không có chỉ đạo, không có kiểu ép thành tích thì trường nào, thầy cô nào dám tự ý làm việc này? Đến lúc sự việc bị phanh phui thì các bác trên phòng, trên sở cứ như là vô can, rồi lại tiến hành kiểm tra, kiểm điểm cấp dưới trong khi sự việc diễn ra từ năm này qua năm khác, chả nhẽ các bác không biết?". 

"Bệnh thành tích ngày một nặng. Ngày xưa tôi đi học, giáo viên không tới mức cấm học sinh dự thi như này nhưng thường điều hướng để các bạn lựa chọn những phương án an toàn, tăng khả năng đỗ nguyện vọng 1 để nhà trường báo cáo thành tích. Nay căn bệnh này ngày một nặng, nặng tới mức trở thành một căn bệnh nan y chưa thể tìm ra liều thuốc phù hợp", độc giả có nickname Jacky Tran tiếp lời. 

Tương tự, chủ tài khoản Mr.Le cũng cho rằng lá đơn "xin cho con không thi vào lớp 10" kể trên chính là hậu quả của căn bệnh thành tích trong giáo dục, trong đó nhà trường và giáo viên cần phải chịu trách nhiệm lớn. "Học sinh kém phải được phân loại, định hướng sang nhóm khác hoặc cho đúp học cùng với khóa dưới, không phải cứ cho qua môn rồi tới khi tốt nghiệp thì để giáo viên o ép như thế này. 

Căn bệnh thành tích đang để lại "di chứng" rõ ràng khi học sinh không biết đọc, viết vẫn được lên lớp, được tốt nghiệp, phổ cập giáo dục phổ thông, đại học nhưng chất lượng nguồn lao động không đảm bảo, nhiều hoài nghi về vấn đề bằng cấp", độc giả này nêu quan điểm. 

"Gần đây, quê mình xảy ra việc thầy cô không cho những bạn học yếu đăng ký thi vào lớp 10. Không hiểu tại sao lại để cho các trường và giáo viên tự làm những việc đó. Thi hay không là quyền của học sinh, không phải để người khác quyết định hộ. Ngành giáo dục nên xem lại vấn đề này, đừng vì sự ích kỷ trong việc giành thành tích mà đóng đi cánh cửa cuộc đời của những đứa trẻ", anh Giap Nguyen Van chia sẻ. 

Có chung ý kiến, anh Chế Trung Hiếu khẳng định các em học sinh phải được quyền thi vào lớp 10 công lập. Mọi lý do như không xây đủ trường cấp 3 đều chỉ là ngụy biện nhằm đánh lạc hướng khuyết điểm của hệ thống giáo dục hiện nay. 

Còn với anh Ha Nguyen Trong, anh cho rằng vấn đề không chỉ ở thành tích mà còn ở chính lương tâm nghề nghiệp của các thầy cô. "Các bạn học kém khi thi có thể trượt vì điểm thấp, nhưng nếu tương lai của họ sau này không tươi sáng, họ sẽ nhìn giáo dục bằng một cái nhìn tiêu cực. Khi chúng ta đẩy các em vào đường cùng, không cho các em những ánh sáng hy vọng thì tiêu cực trong xã hội sẽ nhiều hơn. Đừng để lương tâm nghề giáo bị mất đi", độc giả này viết. 

"Chủ trương đúng, nhưng thực hiện sai, rất sai. Chuyện học sinh thi trượt rất khác với bị cấm không được thi, bởi đi thi là quyền của mỗi học sinh và được pháp luật bảo vệ. Nhà trường có trách nhiệm định hướng để học sinh đi thi, mà việc định hướng cần phải thực hiện sớm và trong một thời gian dài. Hành động nêu tên, không phát phiếu đăng ký thi, chạy theo thành tích, ngăn cản học sinh đi thi là rất sai, mang tiếng cho 2 chữ giáo dục", độc giả với nickname Lối Xưa nhấn mạnh. 

Trường cấm học sinh thi vào lớp 10: Khi bệnh thành tích trở nên trầm trọng - 2

Vì căn bệnh thành tích, nhiều ngôi trường sẵn sàng cấm đoán quyền được dự thi của các em học sinh (Ảnh minh họa: Huyền Nguyễn).

Cần có sự chung tay đồng hành cùng thầy cô

Trước cơn mưa "gạch đá" trút xuống ngành giáo dục, nhiều người cho rằng thay vì chỉ trích, cần có sự đồng hành, cảm thông và phối hợp cùng các thầy cô để giải quyết tốt nhất vấn đề, đảm bảo những hướng đi phù hợp cho tương lai của các em học sinh. 

"Dạy dỗ, định hướng các em học sinh cần phải kết hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi đó, các vị vứt hết cho nhà trường thì gánh vác làm sao nổi?", anh Đức Vũ bình luận. 

"Tôi không phản đối việc nhà trường điều hướng các em học sinh lựa chọn học nghề thay vì cố gắng thi cấp 3 dù kết quả không mấy khả quan, song tôi cho rằng việc nhà trường soạn sẵn đơn và để cho gia đình ký như trên là điều hết sức phản cảm. Nhiều người có thể nói là bệnh thành tích, nhưng tôi tin thầy cô là những người gần gũi và hiểu về khả năng của các em nhất nên sẽ là những người tư vấn và định hướng chính xác nhất cho các em. Mục đích là không hề xấu, nhưng cách làm của nhà trường đang biến nó trở nên phản cảm. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề để đạt được hiệu quả tốt hơn", độc giả Hoàng Linh phân tích. 

Còn dưới góc nhìn của một nhà giáo trực tiếp luyện thi lớp 10, anh Đặng Hữu Phước chia sẻ: "Tôi là giáo viên dạy một trong 3 môn thi vào lớp 10. Nếu các bạn không biết rõ thì đừng nhận xét phiến diện và lúc nào cũng chỉ đổ lỗi giáo viên. Giáo viên dạy ôn thi hiện nay cực kỳ áp lực bởi Sở Giáo dục lấy nhiều tiêu chí xếp loại thi đua, trong đó đặc biệt lưu ý tiêu chí tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập và tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi toàn diện, học sinh xuất sắc của trường. Trường nào có tỷ lệ thấp thì Ban Giám hiệu, giáo viên bộ môn sẽ bị các cấp phê bình, khiển trách. Bởi vậy, để nâng được các tỷ lệ nói trên thì nhà trường, giáo viên phải có những tư vấn phân luồng học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10.

Ngoài ra, để đạt được tỷ lệ học sinh giỏi, xuất sắc của nhà trường thì giáo viên phải tính toán làm sao cho học sinh điểm cao lên để đạt được kế hoạch. Chẳng giáo viên nào dại gì cho học sinh điểm thấp để tự gánh những trận mưa nhận xét không tốt, phải trả lời câu hỏi như tại sao cùng là giáo viên dạy cùng môn sao ở lớp kia có nhiều học sinh đạt loại giỏi như thế. Vì vậy mà sổ điểm và học bạ của học sinh luôn đẹp nhưng một số trong đó không đáng được xếp loại giỏi. Đừng cái gì cũng đổ tại giáo viên, hãy xem khởi nguồn từ đâu".