1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bắc Ninh có thêm dự án khu công nghiệp 14ha gần đường vành đai 4

Ninh An

(Dân trí) - Với quy mô 14ha, dự án đầu tiên của KCN Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh dự kiến cung cấp cho thị trường hơn 90.000m2 diện tích sàn kho, xưởng chất lượng cao cho thuê.

Nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp miền Bắc gia tăng

Từ năm 2019, Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu đã nhận định về cơ hội của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.

Làn sóng đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng khu công nghiệp. Ngành bất động sản khu công nghiệp từ đó được hưởng lợi và đạt kết quả kinh doanh tích cực vài năm qua.

Vài năm gần đây, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết đã ký nhiều biên bản ghi nhớ về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới. 

Chia sẻ bên lề lễ khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tại khu công nghiệp Thuận Thành III - Phân khu B, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 17/4, ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam - cũng cho biết trên thực tế nhu cầu cho thuê nhà, nhà kho ngày càng gia tăng.

Bắc Ninh có thêm dự án khu công nghiệp 14ha gần đường vành đai 4 - 1

Lễ khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tại khu công nghiệp Thuận Thành III - Phân khu B, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Tấn Lộc).

Số liệu của đơn vị này cho thấy tổng đơn đặt hàng về thuê nhà xưởng tại thời điểm tháng 3 đã gần bằng thời điểm cao nhất năm 2023. Ông Minh nói thêm, trước đây nhu cầu nhà xưởng tại khu vực phía Nam cao hơn phía Bắc nhưng đến thời điểm hiện tại khu vực miền Bắc có phần nhỉnh hơn về số lượng.

Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đa số đơn hàng nhưng hiện khối các nước nói tiếng Anh gồm Mỹ, châu Âu,… đang tăng lên với tỷ trọng khoảng 20%. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang rất tích cực.

Với quy mô 14ha, dự án đầu tiên của KCN Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh dự kiến cung cấp cho thị trường hơn 90.000m2 diện tích sàn kho, xưởng chất lượng cao cho thuê. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút những nhà đầu tư từ các nhóm ngành tiềm năng như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, điện tử, công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng công nghiệp chất lượng cao, dự án của KCN Việt Nam tại Bắc Ninh sở hữu vị trí chiến lược cho phát triển công nghiệp nhờ kết nối giao thông thuận lợi khi nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của thủ đô, khoảng cách lợi thế với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn… qua đó giúp tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho địa phương. 

Hiệu ứng từ tuyến đường vành đai 4

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, cho biết liên tục trong nhiều năm, miền Bắc luôn giữ vững vị thế là trung tâm công nghiệp dẫn đầu của cả nước, thu hút dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp quốc tế.

Nổi bật trong khu vực, Bắc Ninh đang trở thành điểm sáng về FDI, đặc biệt từ các quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính riêng quý I/2024 tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Dự kiến trong quý II/2024 địa phương này sẽ cấp mới và điều chỉnh với tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.

Ông cho biết thêm các khu công nghiệp tại địa phương này có 1.988 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 26,2 tỷ USD. Các khu công nghiệp hiện có khoảng 1.240 doanh nghiệp đang hoạt động và sử dụng trên 310.000 lao động.

Bắc Ninh có thêm dự án khu công nghiệp 14ha gần đường vành đai 4 - 2

Ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Tấn Lộc).

Dự báo sau khi đường vành đai 4 hoàn thành, việc kết nối vùng, liên kết ngành sẽ vô cùng thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh. Đường vành đai 4 giúp khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.