Mắc Covid-19 là... phạm lỗi!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Không ai muốn mình mắc Covid-19 nhưng buồn thay, nếu không may trở thành F0, họ còn bị xem như người phạm lỗi!

Câu chuyện tưởng chừng như là đùa này đáng tiếc lại có thật, xảy ra tại một trường học ở Thủ đô Hà Nội. Theo thông tin đăng tải trên báo chí, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường chiều 26/2, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã công bố về việc trừ điểm thi đua đối với các trường hợp giáo viên là F0 nghỉ dạy trực tiếp và cả dạy trực tuyến.

Mắc Covid-19 là... phạm lỗi! - 1

Giáo viên phải nỗ lực rất nhiều khi vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 "tấn công" vào trường học (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Cụ thể, mỗi ngày giáo viên nghỉ có phép sẽ bị trừ 2 điểm thi đua. Cả đợt nghỉ của mỗi F0 là 7 ngày, đáng lẽ sẽ bị trừ 14 điểm nhưng được tính 5 ngày nghỉ, tương đương với trừ 10 điểm thi đua. Giáo viên nào trong thời gian mắc Covid-19 vẫn dạy trực tuyến thì "ưu tiên" hơn, trừ 5 điểm thi đua.

Rõ ràng, với quy định như vậy, các giáo viên của trường "không được phép ốm đau", ngay cả khi dịch Covid-19 hoành hành tại Hà Nội, có thời điểm lên tới hơn 12.000 trường hợp F0 mỗi ngày, nếu muốn đủ điểm thi đua?

Quy định cứng nhắc và vô lý đến vô cảm này đã khiến giáo viên bị tổn thương, còn phụ huynh thì bất bình.

Trong 3 năm qua, khó có thể nói hết được những vất vả, khó khăn cũng như nỗ lực của đội ngũ giáo viên khi liên tục phải thay đổi hình thức dạy giữa trực tuyến và trực tiếp nhằm bảo vệ học trò, bảo vệ chính mình trước đại dịch mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và hoàn thành khung chương trình năm học. Và tất nhiên, không ai muốn mình mắc Covid-19 nhưng trong bối cảnh hiện nay, thực khó để đảm bảo "miễn nhiễm" trước loài virus nguy hiểm này.

Trở thành bệnh nhân Covid-19 đáng lẽ các thầy cô giáo cần sự động viên, quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ trong công việc và điều trị thì khó hiểu thay, nó được tính như phạm lỗi, để căn cứ vào đấy trừ điểm thi đua!. Chẳng lẽ sức khỏe, tính mạng của thầy cô giáo, sự an toàn của chính các em học sinh lại bị đánh đổi bằng mấy điểm thi đua ấy?. Sự "tréo ngoe" này không chỉ làm những người trong cuộc tổn thương mà khiến "thi đua" trở thành gánh nặng đối với cá nhân mỗi giáo viên không may mắc Covid-19.

Sự thiếu linh hoạt và mềm dẻo trong công tác thi đua tại Trường THCS thị trấn Văn Điển đã phủ nhận quá trình nỗ lực, phấn đấu của mỗi thầy giáo, cô giáo suốt thời gian qua, khi toàn ngành giáo dục đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo quyền được học của mỗi trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Trước sự bức xúc của giáo viên, Phòng GD&ĐT Văn Điển yêu cầu Trường THCS thị trấn Văn Điển họp lại với hội đồng thi đua để điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp.

Từ vụ việc của Trường THCS thị trấn Văn Điển, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ GD&ĐT mong rằng các nhà trường trên cả nước khi tổ chức đánh giá thi đua sẽ bám sát vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế; lấy tinh thần động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục làm tiêu chí hàng đầu, làm sao để công tác thi đua tạo ra được động lực thiết thực, khuyến khích các thầy cô giáo tích cực cống hiến hơn nữa, nhất là trong thời điểm toàn ngành giáo dục đang nỗ lực để vừa thích ứng an toàn trong dạy và học, vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục như hiện nay.

Hi vọng rằng, việc trừ điểm thi đua đối với giáo viên phải nghỉ dạy khi bị mắc Covid-19 chỉ là trường hợp cá biệt và sẽ sớm được điều chỉnh phù hợp hơn theo hướng đảm bảo quyền lợi, thiết thực, động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên của nhà trường vượt dịch bệnh, hoàn thành công tác chuyên môn của mình.

Người viết cũng thấy rằng, để thi đua trở thành động lực, phải xây dựng các tiêu chí phù hợp với từng thời kỳ, từng hoàn cảnh cụ thể, tránh áp dụng một cách nguyên tắc, máy móc. Thi đua trong trường học là để khuyến khích sự nỗ lực, cố gắng, không phải là cái cớ để tạo áp lực, làm khó và làm tổn thương giáo viên!.