Những người làm việc tốt, tận tâm phải được bảo vệ, khuyến khích

(Dân trí) - Không để việc tinh giản biên chế là cái cớ để loại bỏ những người giỏi, tận tâm nhưng không hợp phe cánh như lời của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: “Những người làm việc tốt, tận tâm, tận tụy, trách nhiệm, phục vụ nhân dân thì phải được bảo vệ, phải được khuyến khích”, phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp) 

Câu chuyện về tinh giản 100 ngàn cán bộ, công chức đã hơn một tuần nay vẫn chưa hết sốt. Dư luận vẫn bàn tán râm ran còn các bác bên Bộ Nội vụ cũng không ngừng đăng đàn trả lời phỏng vấn. Mới đây trên Dân trí, ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói rằng tinh giản biên chế là “giải pháp để góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ công chức, nhằm mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả”.

Đây là một ý tưởng đúng, bởi việc tinh giản là cần thiết, cực kỳ cần thiết.

Song về thực hiện, ngay từ chủ trương ban đầu nghe có vẻ không ổn bởi theo Bộ Nội vụ từ nay đến năm 2020 sẽ tinh giản khoảng 100.000 người với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Trước hết, phải xác định mục đích của việc tinh giản này là giảm bớt bộ máy để “năng động, minh bạch và hiệu quả”, tức là giảm những đối tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Thứ hai, là giảm chi cho ngân sách.

Thế nhưng nếu như giảm 80% cán bộ nghỉ hưu trước tuổi thì không đạt hoặc đạt nhưng rất thấp hai mục đích này bởi lớp cán bộ từ 55 đến 59 tuổi có thể có một số không theo kịp nhịp sống hiện nay nhưng thường là những người có thâm niên nên nhiều kinh nghiệm, nhất là họ đa số là số cán bộ được tuyển dụng từ khi chưa có tiêu cực như nạn chạy chức, chạy quyền…

Về bài toán kinh tế, cũng rất ít hiệu quả bởi thứ nhất, họ sẽ chuyển sang hưởng lương từ quỹ lương bảo hiểm xã hội (khoảng 70% lương cơ bản) nên suy cho cùng là chuyển từ túi này sang túi khác.

Thứ hai, thời gian họ chỉ còn cao nhất là 5 năm (đối với người 55 tuổi) và thấp nhất là 1 năm (59 tuổi) công tác nên đến năm 2020, chẳng cần “tinh giản” thì họ cũng về hưu.

Trong khi đó, mục đích cần đặt ra ở đây là loại bỏ những công chức mà theo lời Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 30% “có cũng như không” và loại thiếu năng lực, bằng giả học giả mà theo lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là “chui” vào công chức.

Đây mới chính là “ung nhọt” cần loại bỏ ngay lập tức chứ không phải mấy bác “mầm non hưu trí” như quan điểm trên của Bộ Nội vụ.

Song, muốn tinh giản thành công cần phải thật sự vô tư, khách quan, công tâm trong phân loại, rà soát đánh giá đồng thời công khai kiểm tra lại trình độ… để có thể xác định được danh sách những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu … Trong đó, cần ngăn chặn triệt để tình trạng chạy chọt làm cho chính sách tinh giản biên chế không đạt được mục tiêu đặt ra, không đúng đối tượng, không đảm bảo được yêu cầu tinh giản biên chế. 

 

Đặc biệt, không để việc tinh giản biên chế là cái cớ để loại bỏ những người giỏi, tận tâm nhưng không hợp phe cánh như lời của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: “Những người làm việc tốt, tận tâm, tận tụy, trách nhiệm, phục vụ nhân dân thì phải được bảo vệ, phải được khuyến khích”, phải không các bạn?

 

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!