Tâm điểm
Bích Diệp

Trọng trách cơ quan quản lý trong sóng gió thị trường

Trọng trách cơ quan quản lý trong sóng gió thị trường - 1

Vai trò của cơ quan điều hành là rất quan trọng trong việc ổn định tâm lý nhà đầu tư và định hướng thị trường (Ảnh minh họa: VNDS).

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua chuỗi giao dịch đầy bất ổn, mà các nhà đầu tư gọi là quá trình "mò đáy" trong suốt hơn 6 tuần liên tục.

Có người đã nhận xét rằng, trong khi chỉ số thị trường của nhiều nước như Ấn Độ, Sri Lanka, hay một số nước ASEAN (Indonesia, Philippines)… đều đã tăng đáng kể trong 20 năm qua, còn VN-Index lại quay trở về vùng đỉnh của năm 2007.

Với việc VN-Index lao dốc hơn 360 điểm chỉ trong một thời gian ngắn, đây là lúc hơn bao giờ hết cần đến vai trò của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, với chức năng tham mưu, giúp việc lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật.

Trên thực tế, trong chuỗi ngày đầy sóng gió vừa qua của thị trường, cơ quan điều hành đã có những bước đi đáng chú ý để cải thiện tình hình, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Đơn cử, cuối tuần trước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước họp với các bên liên quan như Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), hai sở HoSE, HNX, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán để bàn các giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường.

Trong động thái mới nhất, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo công bố dữ liệu giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán; xem xét cho phép nối lại giao dịch lô lẻ cổ phiếu từ tháng 6; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30…

Đáng chú ý, vào đêm muộn ngày 16/5, sau phiên giảm thứ ba của VN-Index, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn đã xuất hiện trên VTV, trả lời thẳng các vấn đề nhà đầu tư đang quan tâm. Trong đó, ông Sơn đã thông tin rằng 86% doanh nghiệp niêm yết báo cáo có lãi trong quý I và khuyến nghị nhà đầu tư "tránh bán tháo một cách không cần thiết".

Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan và chuỗi động thái kể trên, thị trường trong ngày 17/5 phản ứng rất tích cực. Sau khi giảm về vùng 1.158 điểm, VN-Index bật hồi nhanh chóng, kết phiên với mức tăng mạnh 56,42 điểm (tăng hơn 4,8%) với gần 880 mã tăng giá trên cả 3 sàn. Qua đây cho thấy vai trò của cơ quan điều hành là rất quan trọng trong việc ổn định tâm lý nhà đầu tư và định hướng thị trường.

Với bối cảnh trên thị trường phần lớn là nhà đầu tư cá nhân và một bộ phận mới tham gia (được gọi là F0), tâm lý thị trường sẽ bị tác động đáng kể trước những thông tin không rõ ràng, lan truyền với tốc độ nhanh trên mạng xã hội, biên độ dao động của chỉ số theo đó cũng rất mạnh. Chính vì vậy, khi cơ quan quản lý nêu rõ định hướng phát triển thị trường, đi kèm với những chính sách cụ thể, kịp thời và phù hợp thì sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, tránh được những hành vi bán tháo theo đám đông.

Theo một số chuyên gia, khi triển vọng kinh tế tích cực mà chứng khoán cắm đầu lao dốc là một biểu hiện bất thường. Trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì mà nhà đầu tư phải chứng kiến một đợt tháo chạy thái quá như vừa qua. Từ cách tiếp cận này, chắc hẳn nhiều nhà đầu tư cũng như người viết có chung suy nghĩ là, nếu các biện pháp cần thiết (ví dụ như minh bạch giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán, việc cho giao dịch trở lại lô lẻ cổ phiếu…) được triển khai sớm hơn, đồng bộ hơn thì có thể tác động lên thị trường sẽ tích cực hơn, hạn chế được tình trạng "sáng nắng, chiều mưa" như thời gian ngắn vừa qua. 

Trong thực tế, dòng tiền "chực chờ" từ các quỹ, nhà đầu tư lớn vẫn khá nhiều. Họ đang chờ tín hiệu ổn định của thị trường để giải ngân, do vậy, khi cơ quan điều hành tích cực hơn nữa trong việc công bố thông tin và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì chắc chắn sẽ góp phần giúp thu hút dòng tiền trở lại, tăng thanh khoản cho thị trường. 

Cách đây gần 2 tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo một số vi phạm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, và nêu rõ những vi phạm đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, giảm niềm tin của các nhà đầu tư… Chắc chắn rằng các nhà đầu tư đều mong muốn vi phạm được xử lý triệt để và không lặp lại, trước hết vì thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế và cũng vì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Với kỳ vọng trở lại vùng 1.500 điểm hay nâng hạng thị trường trong thời gian tới, hơn lúc nào khác, các nhà đầu tư đang nhìn vào trọng trách của cơ quan quản lý. Đó là trọng trách phản ứng nhanh với các biến động, thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ cương để mọi thành viên thị trường đều tuân thủ pháp luật, không để xảy ra vi phạm mới xử lý, "để mất bò mới lo làm chuồng".