Luật Giáo dục đại học bộc lộ bất cập gây trở ngại cho đổi mới

Đây là nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại “Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012” diễn ra ngày 25-9 tại Hà Nội.


Ảnh minh họa: BÙI TUẤN

Ảnh minh họa: BÙI TUẤN

Hội nghị thu hút đông đảo các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các trường ĐH, đánh giá chung quanh việc thực hiện Luật GDĐH năm 2012, những mặt được, những vấn đề tồn tại, hạn chế khi áp dụng luật vào thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thời điểm Luật GDĐH năm 2012 được ban hành đã có những bàn thảo kỹ lưỡng với mục tiêu cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng GDĐH. Đáng chú ý, Luật GDĐH ra đời, tiếp theo đó là việc ban hành hệ thống cơ cấu trình độ giáo dục quốc gia, chiến lược phát triển giáo dục… tạo thành hệ thống xuyên suốt cho phát triển giáo dục. Luật GDĐH năm 2012 đã quy định nhiều điểm mới cho phát triển GDĐH như: tự chủ; kiểm định chất lượng; liên kết đào tạo đối với các cơ sở GDĐH… Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật GDĐH đến nay bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi.

PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đứng trước những yêu cầu mới thì Luật Giáo dục năm 2005 và Luật GDĐH năm 2012 bộc lộ rõ năm bất cập. Đó là, các mô hình cơ sở GDĐH chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ. Mô hình ĐH, trường ĐH hay học viện chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng dẫn đến sự vận dụng tùy tiện, thiếu nhất quán, không tương thích với quốc tế… Thứ hai, là sự thiếu nhất quán và chưa hội nhập về ngôn ngữ. “Điển hình là thuật ngữ ĐH được dùng trong nhiều tên gọi khác nhau (giáo dục ĐH, ĐH, trường ĐH, bằng ĐH) nhưng lại với nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bằng tốt nghiệp ĐH ngành kỹ thuật thì gọi là kỹ sư; kiến trúc sư; ngành y, dược thì gọi là bác sĩ, dược sĩ, cử nhân; một số ngành thì gọi là bằng ĐH…” - PGS Sơn phân tích. Thứ ba, các chức danh giảng viên (giáo sư, phó giáo sư…) chưa được quy định, định nghĩa rõ ràng dẫn đến có những quan niệm khác nhau về các chức danh giáo sư, phó giáo sư và các chức danh giảng viên khác. Thứ tư là cơ chế quản trị ĐH, vai trò của bộ chủ quản và của hội đồng trường; quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDĐH chưa được làm rõ. Thứ năm, cơ chế cơ chế tài chính cho GDĐH chưa được quy định rõ trong luật gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các cơ sở GDĐH, nhất là khi được giao cơ chế tự chủ.

PGS,TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, với những bất cập đang diễn ra, cần sửa đổi, bổ sung cả Luật Giáo dục lẫn Luật GDĐH; bổ sung quy định cụ thể về các chức danh giảng viên; quy định rõ các cấp độ tự chủ và vai trò, trách nhiệm của bộ chủ quản, hội đồng trường…

Từ thực tiễn trong đào tạo ngành y tế, Phó Cục trưởng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho rằng, khi sửa đổi, Luật GDĐH cần quy định đặc thù đào tạo y tế, làm cơ sở khi triển khai. “Đào tạo ngành y có hai bộ phận quan trọng là đào tạo tại trường và đào tạo lâm sàng tại cơ sở y tế. Vì vậy, nội dung này cần được thể chế hóa trong Luật GDĐH” – Ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo ông Lợi, hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dù đã được chỉnh sửa cập nhật nhưng việc xác định chỉ tiêu cũng chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn chưa rõ, cần xác định theo tiêu chí của từng ngành đào tạo. Hiện nhiều trường ĐH đa ngành cũng đào tạo khối ngành sức khỏe, nhưng có sự chênh lệch về năng lực so với các trường đào tạo chuyên ngành, cho nên cần thể chế rõ ràng hơn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị trong sửa đổi luật càng chi tiết, rõ ràng, minh bạch thì càng tốt, tránh được kiện tụng, vướng mắc, khó giải quyết khi thực thi. Bởi hiện nay nhiều trường vi phạm luật nhưng chế tải xử lý không rõ gây nên nhiều bất cập.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, luật sửa đổi sắp tới cần kiên quyết lập hội đồng trường và phải là tổ chức quyền lực thực sự để thực hiện tự chủ. Ngoài ra, cần xác định mô hình trường ĐH mới sắp tới thế nào cho phù hợp; quy hoạch mạng lưới ra sao. Luật là xây dựng lâu dài ko phải một vài năm, phải đặt nền tảng pháp lý, đặt đường hướng đổi mới cho tương lai. Việc sửa đổi luật trên tinh thần đánh giá những mặt được và những điểm yếu cần khắc phục để bổ sung phù hợp với tình hình mới trong trong GDĐH.

Ngày 8-6-2017, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Ngày 11-8-2017 , Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1183/QĐ-TTg giao Bộ GD và ĐT nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Quá trình triển khai đến nay, Bộ GD và ĐT đã nhận được 159 báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở GDĐH đánh giá toàn diện những tác động tích cực và bất cập của Luật GDĐH hiện hiện hành trong 5 năm qua và đề xuất những vấn đề cần thiết sửa đổi và đổi mới cần luật hóa trong Luật GDĐH…(Bộ GD-ĐT)

Theo Mạnh Xuân

Báo Nhân dân