Lưu giữ nét đẹp “mồng ba Tết thầy”?

(Dân trí) - “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.” Đó là câu lưu truyền trong dân gian, muốn nhắc nhở chúng ta về đạo lý làm người. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, liệu tết thầy có còn nguyên ý nghĩa?

Lưu giữ nét đẹp “mồng ba Tết thầy”? - 1

Lớp học ngày xưa (ảnh tư liệu)

   Ngày xưa, trong tâm thức người biết đối nhân xử thế, có ba người được kính trọng nhất, đó là: vua, thầy học, và cha mẹ đẻ. Vì thế ngày Tết, sau khi báo đáp, tri ân công lao của nội ngoại tổ tiên, cha mẹ hai bên, ta thường nghĩ đến người thầy.

Trong số chúng ta, ai cũng đã từng có những người thầy. Truyền thống tôn sư trọng đạo ấy rất cần được gìn giữ trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong dịp tết.

Vào những ngày cận kề Tết Kỷ Hợi 2019, chúng ta thực sự xúc động khi đọc bức thư viết tay của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thăm hỏi cô giáo dạy tiểu học của mình. Đó là thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo, tình thầy trò, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với người đã từng dạy mình. Lá thư viết tay của người đứng đầu Đảng, Nhà nước gửi cô giáo cũ dạy mình từ hồi Tiểu học nhân dịp tết đến xuân về đã khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ. Việc làm ấy đã nhân lên nét đẹp của “mồng ba tết thầy” trong mùa xuân kỷ hợi 2019.

Tết thầy ngày xưa đơn giản về vật chất nhưng mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn. Người ăn nên làm ra thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay. Có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để biết đường ăn ý ở, mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. Tết thầy không cốt ở lễ vật, mà căn bản là thể hiện lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy. Một số làng nghề Tết thầy bằng cách tri ân tưởng nhớ người đã dạy dân làng một nghề truyền thống nào đó - là ông tổ cuả nghề ấy. Các làng nghề này mở hội, và tái hiện lại một phần nào đó của nghề, mục đích muốn cho con cháu nhớ lại và lưu truyền một nghề để không bị mai một do tràn ngập hàng nhập ngoại và sự bung ra của cơ chế thị trường.

Ngày nay, Thầy được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Ngoài việc thăm hỏi những người đã chỉ bảo dìu dắt dạy dỗ truyền đạt cho ta, đáng buồn có nhiêu hành động biến tướng làm mất đi giá trị tốt đẹp của “mồng ba tết thầy”. Chẳng hạn trước Tết Nguyên đán, nhiều cha mẹ học sinh hỏi nhau “Đi Tết thầy chưa?”, “Bao nhiêu?”  Vậy là cha mẹ đã làm thay con, mất hết ý nghĩa của Tết thầy vốn là một phong tục đẹp, tôn sư trọng đạo. Tệ hơn là không ít học sinh giờ cũng có suy nghĩ ấy. Thật xót xa khi con trẻ hỏi “Tết này, mẹ đã đi Tết thầy cô của con chưa?” Trong trường hợp này, người lớn lại mất công giải thích cho con hiểu, và nói lên mong muốn vào dịp Tết, bố mẹ sẽ đưa con cùng đến nhà thầy cô chúc Tết.

Tôi có một người hàng xóm là giảng viên Đại học, nhưng năm nào cũng dắt con mình đến thăm một bà già đã từng là thầy dạy cuả cô từ hồi “vỡ lòng”. Nét đẹp này đã trở thành truyền thống đạo lý tốt đẹp nhân hậu của người Việt chúng ta.

Mồng ba Tết lại đến. Xuân Kỷ Hợi năm nay, tôi bùi ngùi nhớ lại khi xưa.  Bố tôi vốn là một nhà nho, được học chữ quốc ngữ trong phong trào bình dân học vụ. Mỗi khi tới mồng Ba Tết, bố lại đích thân đưa tôi đến nhà ông giáo dạy bình dân học vụ của bố. Hai bố con ăn mặc lịch sự. Mặc dù nhiều tuổi hơn nhưng bố tôi vẫn rất kính cẩn cúi đầu chào thầy. Bởi với bố, đó chính là người dạy chữ, dạy làm người cho mình nên mình phải kính trọng. Tôi chỉ được phép đứng sau lưng bố, như một tiểu đồng. Bố tôi xin phép thầy, và khi được thầy cho phép mới ngồi, mà phải cầm ghế khác ngồi ké bên, không được ngồi ngang hàng. Bố tôi hỏi thăm sức khỏe thầy, chúc tết thầy và gia đình, đàm đạo chuyện mùa vụ, việc đối nhân xử thế. Qua những buổi đi “tết thầy” cùng bố, tôi đã biết được thế nào là đạo lý “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” mà bố vẫn dạy chị em tôi.

Trong thời đại 4.0, người ta có thể nhớ đến “tết thầy” bằng nhiều cách: gửi tin nhắn, gọi điện chúc Tết hoặc nhờ dịch vụ Điện hoa của bưu điện chuyển giúp một bó hoa kèm theo lời chúc chân thành khi không trực tiếp đến vấn an thăm hỏi người thầy cũ. Cũng không nhất thiết phải “mồng ba” mà có rất nhiều cách để tri ân thầy cô dịp đầu xuân. Chẳng hạn nhân dịp Tết đến xuân về, các học trò tổ chức gặp mặt đầu xuân, đón các thầy cô đã từng dạy mình cùng đến dự để ghi nhớ công lao, để được nghe thầy nói chuyện, và để thấy lại tuổi học trò một thời cắp sách của mình.

Nhân ngày đầu xuân, bàn chuyện Tết thầy sẽ có rất nhiều ý kiến. Để tết thầy thực sự ý nghĩa, mỗi chúng ta cần xuất phát từ tâm thức tôn sư trọng đạo để ứng xử nhân văn với người thầy của mình nói riêng, và những người làm công tác giáo dục nói chung. Làm được như vậy, “mồng ba tết thầy” sẽ mãi đọng lại trong ký ức đẹp của mỗi học trò, là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam chúng ta.

Diễm Nguyệt