Nỗi lo làm 1 đồng xài 3 đồng và những hiện tượng bất thường

"Tiền của dân, chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động." là 1 trong 6 bất an của nhân dân được ĐB Đặng Thuận Phong đưa ra trong phiên thảo luận về KT- XH của Quốc hội ngày 9.6.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ tham nhũng đến …

Với cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, ĐB Phong có góc nhìn rộng và sâu khi ông nhận xét về 6 bất an của nhân dân hiện nay

Ông Phong nhức nhối: "Tiền của dân, chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động." Rõ ràng, đây là cuộc chiến mà Đảng và Nhà nước chúng ta đã và đang tuyên chiến nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Do đó, dư luận rất muốn có những giải pháp thực sự hữu hiệu.

Bất an khác là dấu hiệu mất cân đối ngân sách, sự ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư thấp, nợ công tăng cao, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết. Theo ông Phong: "Chỉ số bây giờ mỗi người dân VN thể đang gánh 1.000 USD nợ lãi và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư cho phát triển chưa ngang bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng. Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài 3 đồng.” Vậy vì sao chúng ta cứ nói giảm biên chế, cứ nói giảm bội chi mà nó vẫn cứ tăng? Một câu hỏi vẫn cứ phải hỏi hoài, mà lo rằng câu hỏi này nó ngày càng lớn dần lên.

Rồi vấn nạn “chạy”. Ông Phong nhấn mạnh: “Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ, học phổ thông các cấp và vào ĐH cũng phải chạy trường, chạy lớp, rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án, thậm chí chạy bỏ Tổ quốc đến nơi VN chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân". Ví dụ điển hình nhất cho các loại “chạy” này thì không ai rõ như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh. Hoặc như, dư luận xôn xao xung quanh nữ cán bộ của Sở Xây dựng Thanh Hóa Trần Vũ Quỳnh Anh thuộc hàng “tuổi trẻ, tài cao”, giàu có kinh khủng và cũng thăng tiến nhanh khủng khiếp, rồi cũng lặng lặng ra đi nhanh như gió thoảng.

Nếu trong kỳ họp trước, ĐB Trần Ngọc Vinh từng nói câu nổi tiếng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”, lần này, ĐB Phong nói rộng hơn. Đó là về an toàn sống, bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây. Đó là nỗi lo thường trực của mỗi chúng ta và cho mỗi thành viên trong gia đình của mình, đặc biệt cho con trẻ.

… những điều khó hình dung trước đây

Không chỉ mỗi chúng ta sợ vạ lây khi ra đường, mà với các vị có chức sắc, như ông chủ tịch tỉnh Bắc Ninh còn bị nhóm cát tặc nhắn tin đe dọa thì… thôi rồi. Nhưng, ngay cả với các sĩ quan an ninh mà còn bị một số đối tượng xã hội đe dọa thì thật khó lường. Đó là trường hợp thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng An ninh điều tra - Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Hà Tĩnh và đại úy Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội bị đối tượng Hiền nhắn tin chửi bới, dọa giết. Nguyên nhân, trước đây 2 sĩ quan này từng thụ lý vụ án Hiền dùng gậy bi –a đánh gãy tay một giáo viên trên địa bàn. Vụ này, Hiền bị án tù 20 tháng, được hưởng án treo. Trước đó, đối tượng Hiền từng có nhiều tiền án, tiền sự. Một câu hỏi đặt ra: Bình thường, những đối tượng như vậy phải rất sợ công an, nhưng tại sao dám nhắn tin đến 43 lần để chửi bới, dọa giết họ? Đấy mới là câu hỏi cần giải mã.

Không chỉ vậy, khi bất mãn, có cán bộ công an còn liều lĩnh hơn cả xã hội đen. Cụ thể, bị điều động từ Phòng Cảnh sát hình sự sang Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, thuộc Công an tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Viết Hòa bất mãn với ông Nguyễn Như Tuấn - Giám đốc công an tỉnh - nên tính việc trả thù. Theo cáo trạng, Hòa đã nhờ người làm mìn tự tạo, rồi lại nhờ một người khác đặt mìn ở nhà ông Giám đốc công an tỉnh. Mìn nổ, rất may, dù có 4 người trong nhà nhưng không ai bị thương. Cả Hòa và đối tượng đặt mìn đều bị kết án tù chung thân cho 3 tội danh: Giết người, sử dụng trái phép vật liệu nổ và hủy hoại tài sản. Ngày 15.6 tới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thâm xem xét đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo này.

Những ví dụ trên là những hiện tượng cá biệt, tuy nhiên, còn đó những câu hỏi lớn cho các nhà quản lý, các nhà tâm lý học: Liệu có không những góc khuất phía sau những vụ án hy hữu này?

Vương Hà