Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Tín hiệu tích cực giải quyết bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Ninh.

Xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng

Tại Quảng Ninh, huyện Bình Liêu là đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã xây dựng và nhân rộng mô hình, cách làm phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, đem lại nhiều chuyển biến tích cực.

Tín hiệu tích cực giải quyết bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 1

Hội LHPN thị trấn Bình Liêu ra mắt tổ truyền thông cộng đồng (Ảnh: Lê Lành).

Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Tín hiệu tích cực giải quyết bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 2

Truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới tại xã Đồng Tâm, thị trấn Bình Liêu (Ảnh: Lê Lành).

Đối tượng thụ hưởng của chương trình bao gồm: Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn; lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.

Bà Sái Thị Kim Lan - Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Bình Liêu cho biết: "Tại các buổi tập huấn, chúng tôi đã được thông tin cụ thể hơn về các nội dung tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới…".

Thực hiện nội dung Chương trình về tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, Hội LHPN huyện đã thành lập và ra mắt 11 tổ truyền thông cộng đồng và tổ chức truyền thông về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại 11 thôn, khu thuộc 5 xã: Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động, Thị trấn.

Được thành lập vào đầu tháng 10, Tổ truyền thông cộng đồng khu Khe Lạc, Thị trấn Bình Liêu gồm 8 thành viên: Bí thư chi bộ, Trưởng khu; Trưởng Ban công tác Mặt trận; Chi hội trưởng phụ nữ; Khu đội trưởng, Chi hội trưởng Hội nông dân; Bí thư chi đoàn; Chi hội trưởng hội cựu chiến binh; Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố.

Ngay khi được thành lập, Tổ đã xây dựng quy chế, nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ cụ thể, bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn để triển khai thực hiện.

Chị Dường Tài Múi  - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng khu Khe Lạc cho biết: "Các thành viên trong Tổ đã tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, lao động, phát triển kinh tế... để góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng...".

Ra mắt câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"

Nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế- xã hội tại cộng đồng, Hội LHPN huyện đã phối hợp với trường THCS&THPT Hoành Mô tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi".

Tham gia câu lạc bộ giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống. Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.

Các thành viên câu lạc bộ còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh và là những tuyên truyền viên đắc lực của nhà trường.

Đến nay, 11 tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) tại 5 xã, thị trấn và CLB  "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Bà Trần Thị Thoan - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Mục tiêu Chương trình làm thay đổi nhận thức phụ nữ DTTS, xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới tích cực tham gia hoạt động xã hội; chủ động phòng, chống nạn buôn bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em...

Tín hiệu tích cực giải quyết bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 3

Ra mắt CLB thủ lĩnh của sự thay đổi (Ảnh: Lê Lành).

Do vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện vừa tăng cường tập huấn, trang bị kiến thức cho tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, kỹ năng tổ chức hoạt động, vừa chỉ đạo các cấp Hội gắn hoạt động dân ca dân vũ, thể dục thể thao và cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" tại cơ sở để vừa đổi mới tuyên truyền vừa có hoạt động cụ thể.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bình Liêu sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi.

Tín hiệu tích cực giải quyết bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 4

Phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực thực hiện 5 không, 3 sạch (Ảnh: Lê Lành).

Đồng thời, tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời kỳ mới; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện nói riêng và khu vực miền núi của tỉnh nói chung.