Con đường tiến thân của tổng thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc

Hồng Anh

(Dân trí) - Tiểu Đức Trương tự thiến mình để được vào cung làm thái giám. Với phương châm "phải chịu được nỗi nhục nhã, gian khổ mà người khác không chịu đựng được", hoạn quan này dần dần leo lên vị trí cao hơn.

Thời phong kiến Trung Quốc, thái giám được coi như một nghề giúp nhiều nam nhân đổi đời. Không ít người vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói mà chấp nhận tịnh thân, vào làm hoạn quan ở chốn cung đình sa hoa lộng lẫy.  

Sử sách Trung Quốc đã dành nhiều trang ghi chép về Tiểu Đức Trương - tổng quản thái giám cuối cùng của nước này.

Từ một đứa trẻ nghèo đói ở Thanh Hải, Thiên Tân, bằng những mưu mẹo, quỷ kế khác người, Tiểu Đức Trương leo lên vị trí tổng quản thái giám và bòn rút được không ít vàng bạc, châu báu khi triều đình nhà Thanh nhiễu loạn, thối nát.

Theo ghi chép, Tiểu Đức Trương sinh năm 1876 trong một gia đình nghèo khó. Thuở nhỏ, ông ta thường xuyên phải đi làm thuê và chịu sự khinh miệt của những người giàu có. Một lần, Tiểu Đức Trương thắc mắc làm cách nào để giàu có như người ta thì người mẹ nói rằng "làm công công, thái giám".

Sở dĩ người mẹ này nói như vậy là bởi thời điểm đó, sự giàu có của gia tộc thái giám Lý Liên Anh - một trong những sủng thần của Từ Hi Thái hậu đã khiến người đời phải ngỡ ngàng và ghen tị.

Nghe mẹ nói vậy, Tiểu Đức Trương đã lén cầm dao tự thiến mình để nuôi hi vọng một ngày được vào cung làm thái giám. Năm ấy, Đức Trương mới 12 tuổi.

Ba năm sau, ước mơ vào cung của Đức Trương mới trở thành hiện thực. Không giống như đa số hoạn quan từng bước thăng chức từ những vị trí làm trâu làm ngựa như dâng nước pha trà, Tiểu Đức Trương lại tự vẽ ra cho mình một con đường tiến thân khác với phương châm "phải chịu được nỗi nhục nhã, gian khổ mà người khác không chịu đựng được".

Con đường tiến thân của tổng thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc - 1
Tiểu Đức Trương xin học kinh kịch bằng mọi giá (Ảnh: Sohu)

Thời đó, hoạt động giải trí đặc sắc nhất trong cung là xem kinh kịch và Từ Hi Thái hậu thích nhất là được xem bộ môn nghệ thuật này. Năm thứ 2 sau khi vào cung, Tiểu Đức Trương đã tham gia học diễn xuất kinh kịch. Trưởng đoàn kịch không có chút cảm tình nào với Tiểu Đức Trương, tìm đủ cách gây khó dễ nhưng thái giám này vẫn không bỏ cuộc, quyết xin gia nhập đoàn kịch.

Đoàn kịch đề ra nhiều nguyên tắc khắc nghiệt. Một khi không tuân theo các nguyên tắc này, người học có thể bị đánh đập tàn nhẫn tới tàn tật, thậm chí đến chết. Tuy nhiên, Tiểu Đức Trương không vì thế mà run sợ.

Con đường tiến thân của tổng thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc - 2
Tiểu Đức Trương khổ luyện kinh kịch để lấy lòng Từ Hi Thái hậu (Ảnh: Sohu)

Sau đó, nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ, khổ luyện từng ngày cộng với sự thông minh, nhanh nhẹn, thái giám này sớm trở nên tài giỏi điêu luyện trong các vở diễn, được Từ Hi Thái hậu vô cùng yêu mến.

Được "lão Phật gia" nâng đỡ, Tiểu Đức Trương lên như diều gặp gió. Không chỉ giỏi xu nịnh, thái giám này còn rất biết cách lấy lòng Từ Hi Thái hậu quyền uy bằng việc tìm hiểu kỹ xem sở thích của bà là gì và từ đó cố gắng thực hiện tốt nhất có thể.

Năm 1900, khi liên quân 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, Từ Hi Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự phải chạy trốn khỏi Tử Cấm Thành. Tiểu Đức Trương lúc này 24 tuổi đã theo hầu tận tụy. Vì siêng năng phục vụ suốt một thời gian dài, nên sau khi trở về Bắc Kinh, Tiểu Đức Trương được thăng làm thái giám phụ trách ngự thiện phòng.

Nhận thấy Tiểu Đức Trương được đảm nhận một vị trí quan trọng, các quan tranh nhau tung hô, gửi tiền vàng. Suốt mấy năm liền, các quan quân trong triều nếu muốn gặp Từ Hi Thái hậu đều phải thông qua sự sắp xếp của Tiểu Đức Trương. Ông ta vì thế càng vơ vét được nhiều của cải.

Con đường tiến thân của tổng thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc - 3
Từ Hi Thái hậu luôn cho rằng, thái giám đáng tin hơn cả người nam lẫn người nữ (Ảnh: Sohu)

Về phần mình, Đức Trương tha hồ sai khiến, nạt nộ, tỏ rõ quyền uy với các tiểu thái giám dưới quyền.

Năm 1908, hoàng đế Quang Tự, Từ Hi Thái hậu lần lượt qua đời. Tổng thái giám Lý Liên Anh mất đi chỗ dựa vững chắc, cộng thêm tuổi già sức yếu nên đã rời khỏi triều đình. Tiểu Đức Trương nghiễm nhiên đảm nhiệm vị trí thái giám tổng quản, lên tới chức quan nhị phẩm. Giấc mơ được làm quan và có nhiều tiền của ông cuối cùng cũng thành hiện thực.

Ở vị trí mới, Đức Trương lại cung cúc tận tụy phục vụ thái hậu Long Dụ. Ông ta cũng nhận được sự tín nhiệm của vị hoàng hậu này, trở thành người có tiếng nói trong việc triều chính.

Được hoàng hậu chống lưng, Đức Trương cũng ra sức nhận hối lộ tiền bạc của quan lại lo chạy chức tước. Vì thế mà tài sản của thái giám này ngày một chất cao.

Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công đánh dấu sự sụp đổ của triều đình phong kiến nhà Thanh. Tiểu Đức Trương sau đó về quê nhà Thiên Tân cưới 4 người vợ, xây dựng tư gia tráng lệ, mua thêm nhiều đất đai và tham gia vào các hoạt động buôn bán. Với số tiền bòn rút được từ triều đình, thái giám này sống một cuộc sống sung túc, giàu có.

Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, là tàn dư của chế độ cũ, Tiểu Đức Trương nghiễm nhiên trở thành "mục tiêu bị tấn công", tài sản của ông ta bị tịch thu hết, thê thiếp cũng lần lượt rời đi.

Trong những năm cuối đời, Tiểu Đức Trương sống cô độc, kiếm sống bằng nghề bán trái cây chiên và qua đời năm 1957 ở tuổi 81.

Theo Sohu

Theo www.sohu.com