Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ

Minh Nhân Thanh Thúy

(Dân trí) - Trong ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 (tức ngày 18/4), tỉnh Phú Thọ ước tính đón khoảng 500.000 lượt khách thập phương hành hương về Đền Hùng.

Dự kiến đón 500.000 lượt khách

Từ sáng sớm 18/4 (tức 10/3 Âm lịch), hàng vạn người dân và du khách từ mọi miền Tổ quốc đã đổ về Khu di tích lịch sử đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để dâng hương, vãn cảnh ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương dự kiến đón khoảng 500.000 lượt khách. 

Chính lễ Đền Hùng năm nay vào giữa tuần nên dự kiến lượng du khách sẽ không đông như năm 2023.

Trước đó, vào ngày cuối tuần 14/4, Đền Hùng ghi nhận 700.000 - 800.000 lượt khách là ngày đông nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, ông Giang khẳng định không xảy ra tình trạng "vỡ trận" như nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội. 

"Mọi công đoạn chuẩn bị đều đã sẵn sàng đón du khách thập phương về dâng hương kính Tổ", ông Giang nói. 

Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ - 1

Đông đúc du khách từ mọi miền Tổ quốc đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương, vãn cảnh, chiều 17/4 (Ảnh: Thành Đông).

Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đơn vị đã bố trí 100% cán bộ, nhân viên thường trực.

Tất cả sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ, trông giữ phương tiện…

Khu di tích cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về công tác tổ chức lễ hội; chuẩn bị hơn 100 xe điện phục vụ người dân. 

Bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa Du lịch Đất Tổ 2024 diễn ra từ ngày 9/4 đến ngày 18/4 (mùng 1 đến mùng 10/3 Âm lịch). 

Trong 10 ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức tăng cường xã hội hóa các sự kiện biểu diễn, văn nghệ dân gian và hàng loạt chương trình nghệ thuật về đêm tại thành phố Việt Trì nhằm phục vụ đông đảo du khách.

"Chúng tôi hướng đến xây dựng một lễ Giỗ Tổ mẫu mực cho cả nước. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, đảm bảo an toàn, trong khi phần hội đem đến nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch", bà Phương nói. 

Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ - 2

Hàng dài người dân chen chân tại lối lên núi Nghĩa Lĩnh, chiều 17/4 (Ảnh: Thành Đông).

Chuỗi hoạt động lễ hội ở các xã, vùng ven đền Hùng như đình cổ Hùng Lô, khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót được mở rộng quy mô "lớn chưa từng có", thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. 

Bên cạnh những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách còn được trải nghiệm và hòa mình vào những hoạt động văn hóa đặc sắc như: lễ hội làng Hùng Lô, lễ hội đền Tam Giang - Bạch Hạc gắn với sự tích rước nước ở ngã ba sông...

Chính quyền tổ chức nhiều hoạt động như thi gói bánh chưng, bánh giầy, hát Xoan. Ngày 18/4, Phú Thọ tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại sân khấu phía Nam công viên Văn Lang. 

Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ - 3

Bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Thanh Thúy).

Theo bà Phương, để chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành đảm bảo điều kiện tổ chức an toàn, thân thiện, mến khách, hình thành điểm tham quan để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. 

"Các công tác từ đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, đến kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chỉnh trang khuôn viên đô thị, quy hoạch hàng quán dịch vụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì đã được siết chặt", bà Phương khẳng định. 

Chính quyền cũng hướng dẫn các cơ sở lưu ý chỉnh trang, nâng cao chất lượng và các sản phẩm dịch vụ để đón lượng khách lớn hàng triệu người đổ về Đền Hùng trong những ngày lễ hội mùng 9, mùng 10/3. 

Tour đêm Đền Hùng

Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ đã bố trí các điểm thông tin hỗ trợ khách du lịch tại khu vực cổng Trung tâm lễ hội, sân đồi Công quán và ngã 5 Đền Giếng - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Tại đây, các hướng dẫn viên sẽ cung cấp các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu quảng bá điểm đến du lịch, chương trình tour du lịch tham quan trải nghiệm vùng Đất Tổ.

Đến với Lễ hội Đền Hùng năm nay, rất nhiều du khách sẽ được trải nghiệm tour đêm, tham quan đền Hùng vào buổi tối khoảng 20h-23h.

Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ - 4

Du khách trải nghiệm tour đêm Đền Hùng huyền ảo, trang nghiêm, ngày 13/4 (Ảnh: Thanh Thúy).

Theo đó, du khách có thể đi tự do hoặc mua tour "Đêm Đền Hùng" có giá 350.000 đồng/người để được trải nghiệm theo lộ trình cùng hướng dẫn viên thuyết minh về ý nghĩa lịch sử khu di tích.

Trong không khí linh thiêng của đất trời về đêm, từ cổng đền, những người tham gia sẽ vượt qua hàng trăm bậc đá để thưởng ngoạn và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại các ngôi đền của khu di tích như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và kết thúc hành trình ở Đền Giếng.

"Tôi đã đi Đền Hùng 3 lần nhưng đây là lần đầu đi từ buổi tối đến đêm. Tôi thấy một không gian rất khác, được ngắm nhìn vẻ đẹp của các đền thờ kỹ hơn, được dâng hương và hiểu thêm về công lao của các Vua Hùng", du khách Nguyễn Lâm nói. 

Theo anh Lâm, du khách đến Đền Hùng nên thử tour đêm vì hành trình không thay đổi nhưng thời tiết dễ chịu hơn, đông người nhưng không chen chúc nên có thời gian vãn cảnh và cảm nhận được sự linh thiêng của khu di tích.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, từ xưa đến nay, vào những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, người dân đất Việt đều hướng về cội nguồn dân tộc để tham gia các hoạt động Lễ hội Đền Hùng.

Trong những ngày hội mở, các làng xã quanh khu vực có đền thờ Tổ Hùng Vương tham gia rước kiệu và các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ lễ hội.

Đúng mùng 10/3 Âm lịch, Nhà nước và nhân dân thực hiện các nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Trong dân gian đã truyền tụng câu ca có từ bao đời nay:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Phú Thọ dự kiến đón 500.000 lượt khách đổ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ - 5

Du khách dâng hương ở sân Đền Hạ, chiều 17/4 (Ảnh: Thành Đông).

Từ ý nghĩa và vị trí quan trọng của ngày giỗ Tổ trong tâm linh người Việt, nên dù làm gì và sống ở nơi đâu, ai cũng muốn một lần trong cuộc đời hành hương về vùng đất cội nguồn, thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các vua Hùng được nhân dân lập đền thờ chính tại núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì).

Ngoài ra còn vô số đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước.

Tín ngưỡng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết yêu nước thương nòi của người Việt Nam.

Người Việt thờ cúng các Vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình. Từ bao đời nay, người Việt hành hương về Đền Hùng để tri ân Quốc Tổ - những người đã có công dựng nước. 

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt