BGĐ Trung tâm Viết văn Nguyễn Du từ chức tập thể

Ngay khi khóa bồi dưỡng viết văn đầu tiên vừa kết thúc, ba vị lãnh đạo Trung tâm gồm Giám đốc Phan Hồng Giang cùng hai Phó giám đốc Ma Văn Kháng và Vũ Quần Phương đều nhất loạt đệ đơn xin từ chức với lý do chung: tuổi già sức yếu.

Hội Nhà văn vẫn chưa phê chuẩn quyết định "cáo lão" này, trong khi khóa học tiếp theo dự định sẽ mở vào tháng 10. Dưới đây là cuộc trao đổi với tiến sĩ Phan Hồng Giang - Giám đốc Trung tâm.

 

Tại sao các ông xin thôi chức khi Trung tâm mới chỉ đào tạo xong một khóa?

 

Chúng tôi đều đã già cả rồi nên không thể đảm đương khối lượng công việc quá lớn. Chức trách của chúng tôi là quản lý, điều hành công việc giảng dạy nhưng vì không có bộ phận Hành chính quản trị nên ba ông già phải đi lo tất tần tật công tác hậu cần. Làm sao ba người có thể đảm đương hết mọi chuyện, từ nơi ăn, chốn ở, phòng học cho học viên… đến việc lên chương trình, mời giảng viên và lo lắng phương tiện cho họ đi lại được.

 

Đến tận ngày khai giảng, Trung tâm vẫn gặp rất nhiều khó khăn: địa điểm không có, kinh phí không cấp, hội trường lớp học không sử dụng được vì không có điều hòa. Chúng tôi phải tự thân lo mọi việc. Tất nhiên, có hay không có bộ phận Hành chính quản trị cũng là chuyện rất phụ, vì họ không phải là nhân tố quyết định sự thành bại của Trung tâm.

 

Quan trọng nhất là những người đảm nhận vai trò vạch ra đường hướng, chương trình giảng dạy, phụ trách giảng viên và giám sát khóa học. Chúng tôi tuổi cao nên đánh đu với trách nhiệm này là quá sức, lớp trẻ làm sẽ hợp hơn.

 

Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du vừa được Hội Nhà văn thành lập, hai năm sau khi Trường viết văn Nguyễn Du bị giải thể. Trung tâm hoạt động với chủ trương "tự quản tự trang trải" với sự hỗ trợ của Hội nhằm mục đích trang bị kiến thức nhiều mặt cho những người yêu công việc viết lách. Khóa đầu tiên khai giảng hồi tháng 5 và vừa bế mạc ngày 9/8.

Nhưng việc "nhậm chức" của các ông cũng chỉ diễn ra cách đây không lâu, nên nguyên nhân "tuổi cao sức yếu" dường như không mấy thuyết phục. Tại sao khi vạch ra kế hoạch tái lập Trung tâm, các ông không tính đến những khó khăn về cơ sở vật chất?

 

Có chứ. Chúng tôi đã tính rất kỹ. Nhưng mọi việc còn bị chi phối vì các nguyên nhân khách quan. Hội Nhà văn đã hứa hẹn rất nhiều, ví như chúng tôi sẽ có trụ sở riêng, giảng viên sẽ có ôtô đưa đón…

 

Nhưng thực tế, ba tháng trời liền, công văn đi công văn lại nhưng trụ sở trên Quảng Bá vẫn không có điện… Đến phút chót, chúng tôi phải nhờ đến sự can thiệp của một lãnh đạo cao cấp thì điện mới được đóng. Còn giảng viên thì phải tự túc phương tiện, không có thì đi xe ôm. Giảng đường xây chưa xong, phải đi thuê của Viện văn hóa… Tất nhiên, những chuyện này đều xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, nhiều khi nằm ngoài ý muốn của Hội.

 

Kinh phí là một trong những nguyên nhân nảy sinh những khó khăn này. Nhưng ngay từ đầu, các ông đã xác định, chủ trương của Trung tâm là “tự quản, tự trang trải, không vụ lợi”. Vậy ông đánh giá thế nào về tương lai của mô hình đào tạo này?

 

Đây là một chủ trương rất đúng đắn của Hội. Trung tâm có nhiều triển vọng để phát triển, vì nhu cầu của xã hội rất lớn. Thực ra, kinh phí không phải là vấn đề chủ yếu. Tuy học phí chúng tôi thu rất thấp, nhưng cũng đủ trang trải cho mọi việc. Thêm vào đó, Hội hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi khóa. Chúng tôi chỉ tiêu hết 30 triệu, còn trả 70 triệu cho Hội.

 

Kết thúc khóa I, chúng tôi còn được trao bằng khen vì năng lực quản lý, tổ chức thành công Trung tâm viết văn. Nhưng theo nguyên tắc kế toán, khoản nào phải được dùng cho khoản đấy nên chúng tôi không thể mang kinh phí đào tạo vào việc mua sắm trang thiết bị vật chất được. Đây chỉ là những khó khăn bước đầu, còn chúng tôi là những người chạy rốt đa. Sẽ có những người trẻ, tài năng tiếp tục gánh vác công việc này. 

 

Nếu được đáp ứng tất cả những yêu cầu về vật chất và được quyết định lại, các ông nghĩ sao?

 

Việc xin từ chức ở Hội không phải là chuyện đơn giản. Ví như nhà văn Ma Văn Kháng đã 8 lần đệ đơn xin thôi vị trí Tổng biên tập tạp chí Văn Học Nước Ngoài nhưng vẫn chưa được duyệt. Lần này chúng tôi đều khẳng định trong đơn gửi Hội rằng: "Đây là quyết định cuối cùng, không thể thay thế được".

 

Ông đánh giá thế nào về chất lượng của khóa I?

 

Chúng tôi nhận được sự đánh giá rất tốt từ Hội Nhà văn. Về chương trình, chúng tôi đã mời rất nhiều giáo sư đầu ngành của các lĩnh vực và những cây bút nổi tiếng tham gia giảng dạy. Chất lượng có tốt, giảng viên có hay thì học viên người ta mới nghe, mới theo học đầy đủ. Lớp học phần lớn tổ chức ngày hai buổi, nhưng học viên vẫn đi học rất đầy đủ, rất chăm chú.

 

Về phần học viên, đầu vào của khóa học chất lượng rất cao. Chúng tôi có 6 hội viên Hội Nhà văn, còn lại là hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh. Có những người cao tuổi như bác Nguyễn Trí Trung, 78 tuổi, từng là trợ lý tổng bí thư Lê Khả Phiêu, vẫn say mê tham gia lớp học với chúng tôi.

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Chúng tôi đoàn kết từ chức vì nhiều nguyên nhân, nhưng không có gì đặc biệt cả. Quan trọng nhất vẫn là tuổi tác của chúng tôi đã cao. Vì đã lỡ nhận chức từ hai năm trước nên chúng tôi phải làm. Xong khóa I, chúng tôi xin thôi để được nghỉ ngơi. Chúng tôi quyết tâm xin nghỉ. Đơn đã được nộp cho Hội Nhà văn rồi. Nếu sau 6 tháng vẫn chưa được duyệt, chúng tôi đành phải photo cái đơn đó và nộp lại thôi. Chẳng biết làm sao được".

Nhà văn Ma Văn Kháng: "Công việc quản lý rất vất vả, chúng tôi già rồi. Tôi đã 72 tuổi, anh Giang cũng trên 70, còn nhà thơ Vũ Quần Phương xấp xỉ 70 rồi, đều đã vào độ thất thập cả. Đó là nguyên nhân chính".

 

Theo Lưu Hà

Vnexpress