Nghệ sĩ xiếc Hồng Hạnh: Trót đam mê rồi, bỏ khó lắm!

(Dân trí) - Hai tay điều khiển xích đu vừa tung những dải lụa, hàm răng cắn chặt mũi dao chống đế kiếm, chân uốn qua vai - sự kết hợp các động tác nhuần nhuyễn của Hồng Hạnh tạo nên hình ảnh đẹp và tràn đầy sức sống...

Chông gai con đường xiếc

 

Ngày bé, chị theo ông bác lên Hà Nội thi tuyển vào Trường xiếc, thấy người ta xoạc chân, vặn người thì sợ phát khiếp. Sau này tập luyện chị quen dần, ngày càng bộc lộ tố chất của người diễn viên xiếc. Năm đầu tiên chị học 4 môn cơ bản như: tung hứng, nhào lộn, thể thao, thăng bằng đến năm thứ hai chị chọn một tiết mục mang theo cả đời là “đế kiếm trên đu”.

 

Nghệ sĩ Hồng Hạnh bảo rằng nghề xiếc quá vất vả. Tiết mục “đế kiếm trên đu” đòi hỏi người diễn phải kết hợp thành thạo nhiều yếu tố như tinh mắt, cơ thể mềm dẻo, khả năng cân bằng, sự linh hoạt và óc phán đoán chuẩn xác. Động tác khó khăn nhất đối với môn nghệ thuật này là móc gót - khoeo - mũi chân để tung hứng. Vừa móc chân, tung cầu vừa cắn mũi dao, tay đưa xích đu - cùng một lúc chị phải làm chủ cả hai trạng thái động và tĩnh. Tay chân tung cầu mềm mại mà khay đựng những ly nước trên đế kiếm không đổ.

 

Biểu diễn xiếc không tránh khỏi những pha nguy hiểm, chị chìa bàn tay đầm đìa mồ hôi, thở dài: “Mình bị bệnh ra mồ hôi tay, mỗi lần diễn, mình phải quấn rẻ để tay nắm dây đu khỏi trơn. Đang biểu diễn mà tuột tay là coi như... xong”. Chị cho tôi xem những vết thương ở răng, ngực - hậu quả của những lần rủi ro. Nhiều lần diễn tập, bị mũi kiếm rơi trúng ngực, nhẹ thì chị diễn tiếp nếu bị nặng đành bỏ dở tiết mục. Nghĩ lại lần  biểu diễn “đế kiếm trên đu” tại Thái Lan, chị không khỏi rùng mình: “Chỉ một giây không tập trung, mũi kiếm rơi, đâm trúng ngực một vết lớn, cả cái khay rơi xuống mặt, tí nữa gãy hai cái răng”.

 

Nghệ sĩ xiếc Hồng Hạnh: Trót đam mê rồi, bỏ khó lắm! - 1
 Tiết mục "Đế kiếm trên đu" của Hồng Hạnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Hạnh sinh năm 1980, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Chị đến với môn nghệ thuật xiếc năm 11 tuổi.

 

5 năm học ở Trường xiếc Việt Nam, gần 10 năm cống hiến hết mình, chị đem đến cho khán giả những pha trình diễn đẹp mắt. HCV Liên hoan xiếc toàn quốc 2002 và HCV Liên hoan xiếc quốc tế 2004 là những phần thưởng xứng đáng dành cho chị.

Bay cao với “đế kiếm trên đu”

 

Khi tôi hỏi rằng nghề xiếc vất vả, mạo hiểm đến thế sao chị mãi gắn bó? Chị bảo trót đam mê rồi, bỏ khó lắm. Nhiều lúc chạnh lòng, cảm thương cho chính mình nhưng chưa bao giờ chị ghét bỏ xiếc.

 

“Đời nghệ sĩ xiếc chỉ có 1 - 2 tiết mục là cùng”, bởi tâm niệm như thế nên Hồng Hạnh đã hết lòng trau chuốt và nâng cao tiết mục của mình.

 

Khi diễn, giấu hết mọi lo lắng, gương mặt nữ nghệ sĩ Hồng Hạnh rạng rỡ, đem đến cho khán giả những giây phút tuyệt vời. Những nơi chị đi qua, dù trong nước hay quốc tế thì màn trình diễn của chị cũng gây ấn tượng mạnh đối với công chúng.

 

Nhắc đến chị người ta nghĩ đến “đế kiếm trên đu”, nhắc đến “đế kiếm trên đu” người ta nhớ đến chị. Tiết mục của chị không chỉ được khẳng định vị trí trong nước mà còn vươn lên tầm quốc tế. Liên hoan xiếc quốc tế năm 2005, màn biểu diễn hoàn hảo của chị đã chiếm trọn cảm tình của ban giám khảo. Huy chương vàng là phần thưởng xứng đáng dành cho nữ nghệ sĩ say nghề.

 

Trò chuyện với chị, tôi biết gia đình nhỏ bé và cậu nhóc 4 tuổi là phần thưởng lớn nhất đối với cuộc đời chị. Cu cậu kháu khỉnh, nhờ ông nội đã từng là một nghệ sĩ xiếc dạy nên đã biết chơi trò nhảy nhót trên con lăn. Tôi có ý hỏi chị có hướng con theo nghiệp xiếc hay không? Chị nói sẽ để cho con chọn lựa, công việc gắn với cả đời người, có yêu mến mới sống  và làm việc hết mình...

 

Hàn Nguyệt