Câu chuyện giáo dục:

“Âm mưu” của mẹ

(Dân trí) - Đứa con thứ hai của chị tự ti về mọi mặt bởi trên cậu là ông anh trai giỏi toàn diện. Cậu thích chơi tennis nhưng hiếm khi dám cầm vợt và ấp ủ ước mong: “Một lần có thể chơi tennis đến… đứt dây vợt”.

Câu chuyện về "chiến thuật giáo dục" thúc đẩy sự tự tin cho con được chị Lệ Hằng ở TPHCM, là mẹ của hai người con, chia sẻ trong chương trình của diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo nữ.

Chị có hai con trai. Cho dù chưa bao giờ nói ra nhưng chị thấy rõ sự chênh lệch giữa hai con. Cậu anh cả “gom” hết về phần mình từ sức khỏe, hình thể cho đến các khả năng về học tập, thể thao. Bên người anh có thể gọi là quá toàn diện, từ nhỏ cậu em đã mất tự tin về mọi mặt, làm việc gì cậu cũng mặc định… mình không thể làm tốt.  

Càng thiếu tự tin, cậu em càng ngại thể hiện mình. Chị kể, cháu thích nhất là chơi tennis nhưng hiếm khi dám ra sân. Bố mẹ rủ, cháu cũng khước từ khi cho rằng mình chơi kém, sẽ làm mọi người mất vui. Nhiều lần chị nghẹn ngào, chảy nước mắt không phải vì đứa con dở mà vì cháu gần như đã đánh mất sạch sự tự tin ở bản thân.

Cho đến một lần, chị vô tình nghe con thở dài nói về ước mong: “Giá như một lần con có thể chơi tennis đến đứt dây vợt”. Chị có chút ngỡ ngàng nhưng trong lòng nhen nhóm niềm vui khi nhận ra trong sâu thẳm, con không hề muốn so sánh mình với bất kỳ ai mà chỉ muốn vượt lên chính bản thân.

Chị đã làm một việc mà trước đó chị chưa từng làm: lừa dối con. Chị âm thầm dùng dao cứa vào sợi dây của chiếc vợt tennis làm cho dây yếu đi. Khi có cơ hội, chị “dụ” con ra sân chơi với anh trai. Tình huống đứa con không ngờ xảy ra, khi cháu đang chơi hăng say, cho đến gần cuối trận thì sợi dây vợt bị đứt. Cho dù không thắng anh nhưng cháu vẫn hét toáng lên “Con làm được rồi!” với niềm vui sướng chưa từng có. Cháu tin rằng sức mạnh của mình đã làm đứt sợi dây.

Niềm vui đó trở thành động lực cho đứa con tưởng là yếu kém của chị. Cháu thay đổi hoàn toàn, vượt qua được chính mình, chăm chỉ ra sân chơi tennis và bắt đầu mạnh dạn trong các lĩnh vực khác.

Chị chủ động tìm lại sự tự tin vào bản thân mình cho con nhưng chị cũng không ngờ giây phút sợi dây vợt bị đứt lại có tác động lớn đến vậy. Sau đó, con trai chị trở thành thành viên đội tennis của trường rồi của thành phố.  

Người mẹ không chọn cách chê bai khi con yếu kém mà chị biết cách khơi gợi, thúc đẩy khả năng bên trong của con. Mỗi đứa trẻ đều có những khả năng nhất định và điều quan trọng nhất là cần khơi gợi động lực từ bên trong để mỗi người chiến thắng chính mình chứ không phải chạy theo thành tích để vượt lên người khác.

Và có những trường hợp, có những điều - chưa - phải - là - sự - thật hóa ra lại cần thiết.   

Hoài Nam

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!